Núi Thình Thình luôn khiến bạn bè tôi ngạc nhiên và trầm trồ khen ngợi mỗi khi về chơi – Ảnh: NGUYỄN XUÂN PHƯƠNG
Núi Thình Thình, chùa cũng Thình Thình/ Ai lên tới đó cho mình hỏi thăm/ Vì đâu nên tiếng nên tăm/ Để cho miếng đất ngàn năm thình thình…
Đó là một đoạn thơ mà tôi hay đọc một cách tự hào khi ai đó hỏi “quê bạn có danh lam thắng cảnh nào không?”.
Ngày nhỏ, ba tôi bảo, khi mọi người đặt chân lên núi để lượm củi, trồng cây… thì bước chân đi giống như vang vọng âm thanh “ình ình”. Người dân ở quê đặt luôn cái tên “Thình Thình” cho cùng vần điệu.
Nhưng sau này tìm hiểu, hóa ra câu chuyện người xưa kể “đúng nhưng mà… chưa đủ”. Đúng là khi đi trên núi, bước chân nghe “ình ình” thật. Nhưng chưa đủ, bởi sở dĩ có âm thanh “ình ình” là vì bên trong lòng núi có cấu tạo bằng đá ong tạo nên vô số lỗ hổng, mấp mô, dẫn đến khi có ngoại lực tác động tạo nên tiếng vang.
Nếu ai đó đang phân vân lựa chọn cho mình một điểm đến trong những ngày nghỉ, có thể nghĩ đến Quảng Ngãi, nơi có Lý Sơn đã nổi tiếng và luôn tiện hãy đến với Thình Thình. Hãy tin tôi đi, bạn sẽ không thất vọng đâu.
NGUYỄN XUÂN PHƯƠNG
Trên núi có cái tên “độc lạ” này có chùa Viên Giác đã cả trăm tuổi nằm cô tịch trên đỉnh núi. Chùa rất đỗi bình yên với những nét cổ kính và kiến trúc thời xưa cũ. Và vì tọa lạc trên núi Thình Thình, nên người dân quê tôi ít ai gọi là chùa Viên Giác, mà gọi bằng cái tên rất đỗi trìu mến và thân thương, đó là chùa Thình Thình. 27 năm trước, chùa Thình Thình được UBND tỉnh Quảng Ngãi xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Những người con rời quê để mưu sinh xứ người như tôi, mỗi dịp được về quê hay lên núi Thình Thình. Lý do chủ yếu để được thưởng ngoạn, tận hưởng, để được hít hà cảnh đẹp của quê hương mình.
Còn nhớ thuở sinh viên, mỗi dịp hè, tôi hay dẫn bạn bè các nơi về quê chơi. Và núi Thình Thình luôn là một trong những nơi không thể không đến.
Nhiều bạn tôi, từ Nam chí Bắc đều ngạc nhiên và trầm trồ ngợi khen, khi không ngờ ở quê tôi lại có cảnh đẹp như thế.
Không đẹp sao được khi đứng trên đỉnh núi có độ cao khoảng 170m so với mực nước biển, có thể vươn tầm mắt nhìn một vùng quê thanh bình.
Phía dưới núi là những con đập nước trong veo, những dòng kênh xanh uốn lượn, những cánh đồng lúa chín như một tấm thảm khổng lồ màu vàng óng. Xa xa là những ngôi nhà đơn sơ, giản dị và bình yên. Bao quanh đó là những khu rừng nguyên sinh bạt ngàn trông rất đẹp mắt. Đứng trên núi, có cảm giác như đang đứng ngang tầm với những đám mây trắng lững lờ trôi.
Và nếu nhìn xa hơn, là mũi Ba Làng An (ở xã Bình Châu) choài ra sát biển với những con thuyền đánh cá cưỡi sóng ra khơi. Và xa hơn nữa là đảo Lý Sơn (một điểm du lịch nổi tiếng ở Quảng Ngãi) thấp thoáng trong sương mờ.
Chùa Viên Giác cô tịch trên đỉnh núi – Ảnh: NGUYỄN XUÂN PHƯƠNG
Những năm trước quê tôi còn nghèo, đường sá ghồ ghề khó đi, cứ “nắng bụi mưa bùn”. Còn đường lên núi Thình Thình còn khúc khuỷu. Có lẽ vì vậy mà không thu hút nhiều khách du lịch tìm đến.
Nhưng giờ đây, hạ tầng giao thông đã được đầu tư rất nhiều. Đường lên núi Thình Thình nhờ đó cũng dễ dàng hơn. Chính vì thế mà không chỉ những ngày đại lễ, đều đặn hằng ngày luôn có du khách đến núi Thình Thình, chùa Thình Thình để tham quan, chiêm bái.
Núi Thình Thình, niềm tự hào của người dân quê tôi thuộc địa phận hai xã Bình Tân và Bình Thanh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Trong ngày 19-5, qua email antuongvietnam@tuoitre.com.vn, BTC cuộc thi “Quê hương tôi” đã nhận được bài dự thi của các bạn đọc sau: Bùi Thanh Tương Quan, Nguyễn Thị Mỹ Châu, Đào Đình Tuấn, Lê Tấn Thời, Lưu Đình Long, Hồ Quốc Minh, Nguyễn Xuân Phương, Nguyễn Thị Như Quỳnh, Nguyễn Thị Thùy Trang, Nguyễn Văn Công, Trần Văn Tám, Tạ Tư Vũ, Hoàng Thái Hùng, Nguyễn Văn Hùng.
Nguồn: Dulich.tuoitre.vn