Lầu Ông Hoàng đó… – Ảnh tư liệu |
Trước đây tôi đã hoài niệm và viết câu chuyện về những đĩa kem flan nên thơ của gia đình bà Mộng Cầm: “Lớp mười, trong căn gác trọ, người thuê cũ bỏ lại một tập tài liệu hướng dẫn du lịch tên “Phan Thiết – biển xanh, cát trắng, nắng vàng”.
Trong cuốn tài liệu có ghi về mối tình Hàn Mặc Tử – Mộng Cầm như một dấu ấn lãng mạn của Phan Thiết.
Tài liệu cũng nói về lầu Ông Hoàng, một tàn tích biệt thự của một người Pháp gần tháp Chăm Pôshanư, nơi Hàn Mặc Tử cùng Mộng Cầm mỗi cuối tuần đến ngắm trăng, ngắm biển.
“Đường lên dốc đá” ấy trở thành con đường đầy màu thơ và khơi gợi lòng du khách đến để nghe biển vỗ một mối tình buồn…” (1).
Lầu Ông Hoàng đó…
Một ngày rong ruổi, tôi cùng một sư huynh Phan Thiết cũng đặt chân đến con dốc đầy màu thơ đó.
Con dốc đất sỏi thoai thoải, hai bên vệ đường cỏ cây khô cháy mang phong vị của xứ nắng. Dưới chân, những hòn sỏi cứ chuyển mình rơi xuống càng tạo nên thứ âm thanh rào rạo của buổi trưa miền Trung. Đi hết “Đường lên dốc đá” thì thấy “lầu Ông Hoàng đó”… (2).
Trưa nắng nhưng gió mát lồng lộng. Bên dưới khung cảnh biển êm đềm, xanh biêng biếc đúng như một khung trời thơ mộng…Nơi mảnh đồi nhỏ, dưới ánh trăng Phan Thiết này, Hàn Mặc Tử phải đau xót viết lên những câu thơ:
“Lầu Ông Hoàng, lời thiên hạ đồn vang/ Nơi đã khóc, đã yêu thương da diết/ Ôi trời ơi! Là Phan Thiết! Phan Thiết/ Mà tang thương còn lại mảnh sao rơi…” (3).
Người đời kể Hàn Mặc Tử đón tàu từ Sài Gòn ra Phan Thiết rồi cùng Mộng Cầm lên đồi ngắm biển và nghe tiếng gió ngào ngạt. Đến nay đã tám thập niên trôi qua, nhưng người đời vẫn truyền nhau câu chuyện như một hình ảnh đẹp đẽ, thi vị và cuốn hút những trái tim yêu sự lãng mạn về tình đất, tình người.
Chuyện tình của họ như một câu chuyện vẫn luôn xôn xao vùng đất biển hữu tình này… Tiếc rằng với bước chân của thi nhân như vậy, người ta không để vài chữ kỷ niệm tại đây để nhắc nhớ về một ký ức lãng mạn, thổi hồn vào bối cảnh nên thơ giữa biển trời và cỏ lay gió mát.
Tôi ước chi khi vừa đi trên dốc đá, vừa đọc được những dòng chữ đại loại như thế này: “Đường lên dốc đá… nơi thi sĩ Hàn Mặc Tử và Mộng Cầm gặp gỡ trong những tháng năm tình thơ tuổi trẻ…”, hoặc “Con dốc nhỏ và hoang vu này là bối cảnh in sâu của câu hát “đường lên dốc đá, nửa đêm trăng tàn nhớ câu chuyện xưa.
Lầu Ông Hoàng đó, thuở nào chân Hàn Mặc Tử đã qua…” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh”. Hoặc kể một câu chuyện chi tiết hơn cho du khách: “Nơi đây là ngọn đồi kỷ niệm bước chân của Hàn Mặc Tử – một nhà thơ Việt Nam cùng chuyện tình lãng mạn nhưng buồn của ông với bà Mộng Cầm. Và ngọn đồi này, nơi công tước người Pháp De Montpensier đã xây một biệt thự xinh đẹp, nguy nga vào năm 1911 để ngắm thành phố biển Phan Thiết xinh đẹp”…
Tạm lắng lại câu chuyện “đường lên dốc đá” thì hình ảnh “lầu Ông Hoàng đó” cũng lặng lẽ như một chứng tích tàn phai của lịch sử. Dẫu không còn là tòa lâu đài cổ lãng mạn, nhưng vết tích trên đất của nó cũng đủ kể một câu chuyện về ký ức văn hóa cuốn hút.
Người Bình Thuận hãy viết gì đó cho nó! Chuyện lịch sử nguy nga rồi bị tàn phá đổ vỡ bởi chiến tranh của ngôi biệt thự chẳng hạn?
Hoặc viết về “cuộc đời của ông chủ người Pháp, có đôi mắt lãng mạn tinh tường” để ghi nhớ người đã xây nên một dấu ấn trên ngọn đồi Phú Hài lao xao gió…
Nào chỉ có lầu Ông Hoàng!
Lầu Ông Hoàng, hay một mảnh đất đồi với những ngọn cây cỏ rì rào gió biển, nếu không có ký ức về Hàn Mặc Tử thì cũng chỉ là nơi đẹp hoang vu để ngắm…
Có câu chuyện rồi, mọi người đến cũng đáng một bước chân lữ khách lặn lội. Và rồi khi rời đi, thật thỏa lòng biết bao khi đem về cảm giác man mác từ ngọn đồi, có thể đó là chút bình yên và nên thơ.
Những con đường đất nước còn nhiều bước chân người xưa đi, từ vua chúa đến nhà nho, từ triết gia đến thi nhân, từ chiến tranh đến hòa bình…
Và những dấu chân ấy có nhiều câu chuyện thi vị chưa được kể rõ. Như ở Bảo tàng Chứng tích chiến tranh không chỉ là nơi lưu giữ những câu chuyện đau xót, anh dũng về chiến tranh, mà có thể kể thêm ít dòng ngắn ngủi:
“Nơi đây là nền chùa Khải Tường, nơi sinh của hoàng đế Minh Mạng, vị vua triều Nguyễn, trị vì Việt Nam từ 1820-1840. Ông là vị vua có công lớn lao trong thống nhất lãnh thổ Việt Nam và để lại cho đất nước hôm nay những giá trị tuyệt vời về sử liệu và di sản văn hóa”.
Hay như trong di tích lịch sử Trung ương Cục miền Nam, có một mảnh rừng, trên gò đất hơi cao tên Đồi Thơ (xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh), gần dòng sông Vàm Cỏ Đông êm đềm, là nơi đóng quân đầu tiên của Trường đại học An ninh nhân dân.
Ban quản lý khu di tích có thể viết vài dòng để truyền tải một câu chuyện lịch sử nho nhỏ của cuộc kháng chiến qua hình ảnh những người lính an ninh thời chống Mỹ chẳng hạn.Vô vàn danh thắng, di tích đã được định danh “điểm đến tiêu biểu” và định hình trong các bài viết về du lịch.
Cần thêm những câu chuyện trên đất từ cố cũ như những trang văn hóa âm thầm, mộc mạc đang chảy… khiến Việt Nam thêm sâu sắc và cuốn hút.
——-
(1) Trích tạp bút Kem flan chia cắt, Tuổi Trẻ Cuối Tuần ngày 6-12-2015.
(2) Lấy từ bài hát Hàn Mặc Tử do nhạc sĩ Trần Thiện Thanh viết.
(3) Trích bài thơ Phan Thiết! Phan Thiết! của Hàn Mặc Tử.
Nguồn: Dulich.tuoitre.vn