Art in the forest và ‘du lịch điêu khắc’ trong rừng

0
13
Tác phẩm Tiềm tàng của nhà điêu khắc Floyd Elzinga /// Ảnh Ban tổ chức cung cấp

Theo ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật – Nhiếp ảnh và Triển lãm, dự án Art in the forest có thể coi như một dự án “du lịch điêu khắc” trong rừng.

Tác phẩm Tiềm tàng của nhà điêu khắc Floyd Elzinga /// Ảnh Ban tổ chức cung cấpTác phẩm Tiềm tàng của nhà điêu khắc Floyd Elzinga – Ảnh Ban tổ chức cung cấp

 

Sóng, vũ trụ và cây ở trong rừng

Nhà điêu khắc Ariel Moscovici (Pháp) xoa tay lên thành khối kim loại bằng thép không rỉ cao hơn 4 m, khi hoàn thành, tác phẩm có độ hơi nhám, màu sáng bạc với ánh sáng dìu dịu, cảm giác như mặt trăng. Mê những câu chuyện tôn giáo trong Kinh Cựu Ước, ông thực hiện tác phẩm Giữa những khoảng cách để kể về sự bắt đầu vũ trụ, bắt đầu thế giới và cũng là bắt đầu của những cơn bão suy tư trăn trở trong mỗi cá nhân. Trong bản Kinh Thánh Do Thái cổ, cụm từ này là “Bereshit”, nghĩa là “trong đầu”. Có nghĩa là thế giới được tạo ra một cách trừu tượng trong đầu Đức Chúa Trời trước khi trở thành vật chất”, ông chia sẻ. 
Tác phẩm của Ariel Moscovici gồm 5 khối nhỏ xếp cạnh nhau, để đường đi ở giữa. Người xem có thể đi vào lòng tác phẩm thông qua các lối đi có chiếu sáng. “Các lối đi này giống nhau. Nhưng bạn sẽ tới chỗ chúng cắt nhau, và khi tới đó bạn phải lựa chọn. Chẳng ai biết con đường mình chọn sẽ dẫn tới chỗ nào”, ông nói.
Năm nay là lần đầu tiên Ariel Moscovici tham gia dự án điêu khắc 10 năm tại resort Flamingo Đại Lải (Vĩnh Phúc) với chủ đề “Hội hoạ sơn mài và điêu khắc quốc tế”. Trại khai mạc ngày 26.10 , có sự góp mặt của 10 họa sĩ, 7 nhà điêu khắc trong nước và thế giới với 68 tác phẩm. 

Art in the forest và ‘du lịch điêu khắc’ trong rừng - ảnh 1

Trong trại điêu khắc, tác phẩm của Mukai Katsumi (Nhật Bản) mang tên Thanh âm của đất là “những âm thanh” mà theo ông, giống như tiếng gì rất khẽ khi người ta đứng đối diện với cây cỏ, đời sống. “Một cơn gió xanh thổi qua một đồng cỏ rừng do mưa lớn từ thời xa xưa. Tôi có thể nghe thấy tiếng hoa và côn trùng thì thầm trên trái đất. Sức sống của rừng và sức sống của trái đất”, ông nói. Ông sử dụng những thân gỗ để làm tác phẩm. Những đường lượn sóng song song trên mặt gỗ, nhưng cả khối tác phẩm lại có những nét uốn bất ngờ tùy hứng. Ông đã giữ phong cách tạo hình này nhiều năm, ở những tác phẩm khác của chính ông tại Flamingo.
Lê Lạng Lương – “nhà điêu khắc của sóng biển” cũng tiếp tục kể câu chuyện sóng của mình. Tác phẩm Thuộc về biển của ông Lương được thực hiện ở nhà, sau đó mang tới Flamingo để lắp đặt. “Ở rừng thì nhớ biển. Khó khăn nhất là khi tôi phải thực hiện những mặt phẳng thật… phẳng. Nhưng cũng chỉ để tạo tinh thần uyển chuyển, hòa quyện, linh hoạt, cảm xúc yêu thương, gai góc, dữ dội, thái độ cương trực, vững chãi là những cảm nhận đa chiều về Biển”, ông chia sẻ. Sau này, tác phẩm sẽ được chuyển ra Cát Bà.
Có lẽ, tác phẩm Màu của gió của Đàm Đăng Lại (Nhật Bản) là tác phẩm sẽ được trẻ em yêu thích nhất. Cao tới hơn 8 m, tác phẩm như những nhánh cây khổng lồ với những nụ bé ở đầu cành. Tác giả cũng sử dụng rất nhiều các mảng màu. “Vài chục màu, không ai đếm hết được đâu”, Đàm Đăng Lại chia sẻ. Tuy nhiên, cảm giác về âm sắc Tây nguyên – vùng đất nhiều duyên nợ với anh thì ai cũng có thể nhận được ngay.

Không gian nghệ thuật đậm đặc

Năm nay, đã là năm thứ 5 của dự án nghệ thuật Art In The Forest. Nhà điêu khắc Ariel Moscovici cho biết rất hạnh phúc khi được tới làm việc chung với nhiều nghệ sĩ, để sáng tác tác phẩm cho không gian Flamingo. “Tôi nghĩ, nếu được mời tôi sẽ quay lại”, ông nói.
Trên thực tế, nhiều nghệ sĩ đã tới đây nhiều lần. Các nhà điêu khắc Mukai Katsumi, Lê Lạng Lương, Đàm Đăng Lại đều là những người như thế. Tác phẩm của họ nằm trong không gian lớn cho điêu khắc và mỗi năm lại được bổ sung thêm. Sau 10 năm, một hệ thống tác phẩm bài bản sẽ khiến không gian đặc sắc hơn nhiều.
“Tôi có thể nhận ra các tác phẩm cùng tác giả”, bà Thúy Lê – một khách tham quan,  chia sẻ và chỉ vào một tác phẩm của Đàm Đăng Lại.

Art in the forest và ‘du lịch điêu khắc’ trong rừng - ảnh 2

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật – Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch), cho biết: “Flamingo Đại Lải là một khu du lịch hiếm hoi có các tác phẩm nghệ thuật thực sự, tạo ra được không gian thẩm mỹ rất riêng biệt và tạo nên sức hút”.
Theo ông Thành, quan sát dự án Art In The Forest năm thứ 5, ông thấy đây là cách rất hay để điêu khắc được chú ý, lan tỏa và tương tác nhiều hơn với công chúng.
“Những tác phẩm rất vừa với không gian chung. Khách du lịch cũng thích chụp ảnh bên cạnh tác phẩm, đúng kiểu check in. Đấy chính là một trong những hiệu quả thực tế cho nhu cầu của người dân khi đi du lịch, họ muốn có hình ảnh đẹp bên cạnh tác phẩm nghệ thuật chất lượng. Điều đó rất tốt, nhất là khi các tác phẩm điêu khắc cho không gian ngoài trời ít được địa phương quan tâm”, ông Thành nói.

Tin liên quan

  • Xem lại tư liệu về Trường Mỹ thuật Đông Dương
  • Triển lãm tranh, tượng của cố họa sĩ Lê Công Thành
  • Hết lòng vì người dưng: ‘Quái nhân’ sơn mài

Nguồn: Thanhnien.vn