Ảnh, clip: Chiêm ngưỡng cảnh “Rồng bay” trên phố đi bộ Hà Nội

0
14

(Dân Việt) Những tiết mục sôi động tại liên hoan Múa rồng Hà Nội 2019 đã diễn ra tại khu vực phía trước tượng đài Cảm tử, gần Hồ Hoàn Kiếm đã thu hút hàng nghìn người dân cùng khách du lịch đến chiêm ngưỡng.

Clip: Liên hoan Múa rồng Hà Nội 2019.

Ngày 6/10, hướng tới chào mừng kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, Liên hoan Múa rồng Hà Nội 2019 đã được tổ chức tại khu vực phía trước tượng đài Cảm tử cho tổ quốc quyết sinh (Ngã ba Đinh Tiên Hoàng – Hàng Dầu).

Tham dự liên hoan là các đội dự thi đến từ 15 quận, huyện của Thành phố bao gồm: Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Thanh Oai, Gia Lâm, Đông Anh, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Cầu giấy, Long biên, Đan phượng, Chương Mỹ, Thanh Trì và Ba Đình.

Chương trình đánh dấu lần thứ 5 Liên hoan Múa rồng được tổ chức với quy mô lớn, rộng khắp toàn Thành phố Hà Nội. 

Mỗi đơn vị tham gia sẽ mang đến Liên hoan một chương trình được dàn dựng độc lập, sử dụng một hoặc nhiều con rồng kết hợp múa “tứ linh” (Long, Lân, Quy, Phượng) để tạo thành một thông điệp cụ thể chào mừng kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Hầu hết đội múa rồng là các thanh niên trai tráng từ các quận huyện trên địa bàn Hà Nội.

 Đến với ngày hội múa rồng, các đội thi chuẩn bị các bài với dàn dựng độc đáo, kỹ xảo phức tạp, tạo ra những tiết mục hết sức mãn nhãn.

Có đội thi còn sử dụng pháo sáng làm đạo cụ để thêm phần sinh động.

Múa rồng là một bộ môn nghệ thuật dân gian thường được biểu diễn trong các dịp lễ hội, các sự kiện đặc biệt quan trọng. Hình tượng rồng gắn liền với nguồn gốc “con Rồng, cháu Tiên” của người Việt.

Vừa khai mạc, chương trình ngay lập tức thu hút hàng ngàn người đến xem, vây kín xung quanh khu vực sân khấu trước tượng đài Cảm tử cho tổ quốc quyết sinh.

Cùng các con đến cổ vũ cho đội thi huyện Thanh Oai, anh Tô Minh Long (Thanh Oai, Hà Nội) cho biết, anh bị choáng ngợp và ấn tượng mạnh với quy mô cuộc thi và màn trình diễn của các đội. “Tiết mục của đội nào cũng rất tuyệt vời, các cháu nhà tôi xem không rời mắt, cứ đòi được vào múa cùng rồng, lân”, anh Long nói thêm.

Ông Xuân Hà (Hàng Đường, Hà Nội) chia sẻ, thấy người dân tụ tập đông đúc nên ông cũng cho cháu nhỏ ra xem. “Các tiết mục rất hay. Tôi cho rằng thành phố cần phát huy những hoạt động đậm chất văn hóa như thế này để người dân cũng như du khách có cơ hội tiếp cận”, ông Hà nói.

Nhiều khách thăm quan thích thú ghi hình lại các tiết mục sôi động.

Sau khi hoạt động Liên hoan Múa rồng và trao giải kết thúc, các đội rồng tổ chức diễu hành xung quanh Hồ Gươm để phục vụ công chúng.

Nguồn: Danviet.vn