Lòng hồ thủy điện trên sông Sê San (Kon Tum) trong bài viết “Làng chài Momray bình yên giữa đại ngàn” – Ảnh: CHIÊU LY
Ba tháng của cuộc thi Ấn tượng Việt Nam chủ đề Quê hương tôi do báo Tuổi Trẻ tổ chức như một hành trình từ Nam chí Bắc với phong cảnh, món ngon và trên hết là con người ở cả ba miền đất nước.
Miền đất ngọt ngào trong mỗi người
Các “tay viết” hầu hết đều là người viết nghiệp dư, nhưng sự chân thật trong cảm xúc tạo ra những hành trình đầy lay động, vương vấn. Người đọc bồi hồi khi bắt gặp hình ảnh của một mái nhà ngói đỏ nằm bình yên giữa một thung lũng yên ả của vùng núi Tây Bắc, hay thấy con hẻm quận 5 rất đỗi bình thường với dãy nhà cũ kỹ, những đường dây điện chạy ngang dọc lại thân thương đến thế.
“Mặc kệ ngoài kia đường lớn ồn ào náo nhiệt như thế nào, chỉ cần bước vào hẻm là cả một không gian yên lặng và êm ả. Đa số hẻm đều có tên riêng, dãy nhà hai tầng, chia từng căn nhà nhỏ xen lẫn cổ kính lẫn hiện đại…
Có vài hàng quán, khi tôi tần ngần không mang đủ tiền, các bà các bác xuề xòa cười nói thôi bán cho con luôn, mấy ngàn đâu có nhiều nhặn gì” – đó là một đoạn trong bài viết Sài Gòn bao nhớ của bạn đọc Trần Hồng Ngọc.
Nhà thờ Đức Bà ở trung tâm TP.HCM, một góc trong “Sài Gòn bao nhớ” – Ảnh: TRẦN HỒNG NGỌC
Trong tim mỗi người đều có một miền đất ngọt ngào. Đa phần người viết nói về chính nơi họ lớn lên. Nét đẹp được họ cảm nhận và mang đến cho người đọc là nét đẹp của sự thân thuộc, của sự gắn bó. Có thể nơi họ lớn lên chưa bao giờ được xướng tên trong sách du lịch hay trong những bài viết du lịch. Đó có thể là Hóc Môn – một huyện ngoại thành của TP.HCM – nơi tưởng rằng chẳng có gì để nhìn, để ngắm cũng có những khoảnh khắc đẹp nao lòng.
“Dân Hóc Môn còn chưa biết có cảnh đẹp quanh mình luôn đó” – đó là bình luận của một người Hóc Môn khi xem bộ ảnh bình minh trên những cánh đồng, ruộng rau với hình ảnh người dân đội nón lá, chú trâu gặm cỏ yên bình.
Ngay cả Sài Gòn, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, hay như “Ở Lý Sơn người ta dùng tình để đón nhau” – những cái tên đã được viết quá nhiều trên báo, blog du lịch, vẫn khiến người ta muốn đọc thêm nữa. Như thể nghe tên vùng đất mến thương của mình, ai cũng muốn nghe xem người ta viết gì, nghĩ gì, để rồi thấy hãnh diện khi người đó mang những cảm xúc thật riêng, thật lạ về thành phố của mình.
Bài viết “Người thổi lửa giữ nghề chạm bạc giữa núi rừng” của bạn đọc Nguyễn Văn Tiệp
Nếu nói đến du lịch, đến quê hương Việt Nam, không thể thiếu món ăn. Người đọc đã mang rất nhiều món ăn đến với diễn đàn. Từ loại nu-đồ (mì) đặc biệt của Việt Nam trong mắt người nước ngoài, Hà Nội bún ốc, bún chả, bún đậu cho đến món bún nước lèo dân dã của Sóc Trăng.
“Tôi dắt hắn tới hàng bún chả quen. Hắn sợ nước mắm lắm, tôi kì kèo mãi mới dám lấy thìa xúc… húp thử. Và sau đấy, hắn xin thêm hai bát nước mắm để húp. Phải thôi, thứ nước chấm bún chả không mặn quá, cũng chẳng ngọt quá, cứ dìu dịu trôi vào cổ họng mỗi người, làm hài lòng đến cả những kẻ khó tính nhất” – mẩu chuyện nhỏ vui vui nhưng rất thật của tác giả Ý An về Hà Nội khiến người không ở Hà Nội đột nhiên thèm lắm cảm giác ngồi co ro trong một quán bún chả giữa tiết trời đông phố cổ.
Côn Đảo trong màu xanh của biển và trời – Ảnh: KHANH NGUYỄN
Nhiều đóng góp, hiến kế phát triển ngành du lịch
Tự hào với cảnh vật non nước mình bao nhiêu thì nhiều người càng mong muốn xây dựng hình ảnh Việt Nam đẹp hơn và làm du lịch bền vững hơn. Nhiều bài viết hiến kế đã được gửi đến diễn đàn lần này.
Bạn đọc Huyền Nga chỉ ra rằng Việt Nam cần lấy ba chữ S là Smile (nụ cười), Safe (an toàn), và Save (lưu giữ ấn tượng đẹp) để tạo ấn tượng với du khách. “Du lịch Việt Nam cần chú trọng hơn đến con người – yếu tố quan trọng nhất, quyết định thắng bại của mọi chiến lược. Slogan du lịch Việt Nam tôi đề xuất là Con người niềm nở – Điểm đến an toàn, tạm dịch tiếng Anh là Smile People – Safe Destination”, bạn đọc này hiến kế.
Còn bạn đọc Hùng Hai lại lấy câu chuyện của du lịch Hội An “làm điểm”: “Tôi được biết người Hội An có câu Bán sự bình yên lấy đô la. Tôi ấn tượng với tiêu chí này. Bởi bán sự bình yên thì không bao giờ hết. Và cũng như Hội An vậy, Việt Nam bán hoài cái “khác biệt” cũng không bao giờ hết”, bạn đọc Hùng Hai hiến kế.
Hùng Hai cho rằng Việt Nam nên lấy chiến lược trọng tâm xuyên suốt để phát triển du lịch nội địa là gìn giữ bản sắc đặc trưng của một vùng, một miền, một địa danh, một di tích đặc biệt ở mọi vùng miền của Việt Nam, từ những dòng sông, con kênh, núi đồi, bờ ruộng, vuông tôm…
Diễn đàn du lịch Ấn tượng Việt Nam, cuộc thi viết chủ đề “Quê hương tôi” diễn ra từ 19-5 đến 15-8-2020, nhằm giới thiệu, quảng bá vẻ đẹp đất nước, phong tục, tập quán, con người Việt Nam, cũng như thúc đẩy phục hồi ngành du lịch sau dịch COVID-19.
Ban tổ chức đã nhận được 518 bài dự thi qua email antuongvietnam@tuoitre.com.vn, và 18 bài được gửi qua đường bưu điện.
Gần 100 bài viết và bài ảnh được đăng trên báo in và Tuổi Trẻ Online trong thời gian diễn ra chương trình, trong đó có 59 bài viết của độc giả đủ điều kiện xét giải.
Các bài thắng giải (1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba, 10 giải khuyến khích) sẽ được công bố trong thời gian tới trên báo in và Tuổi Trẻ Online.
Diễn đàn do báo Tuổi Trẻ phát động tổ chức, với sự đồng hành của Vinpearl, Hãng hàng không Vietjet Air, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigon Tourist Group), gồm các chương trình truyền thông, cuộc thi Quê hương tôi dành cho bạn đọc và các sự kiện tại nhiều địa phương.
Trân trọng cảm ơn bạn đọc đã theo dõi và tham gia cuộc thi.
Xem thêm các bài dự thi tại đây.
Nguồn: Dulich.tuoitre.vn