Người Chăm thích các món luộc và nướng, ít chuộng các món chiên xào. Tùy thuộc vào mùa nóng hay lạnh mà món ăn người Chăm có tính mát, chua hay cay.
Các món mặn
Người Chăm thích ăn canh bồi, một loại canh thập cẩm với nhiều thứ rau rừng như rau đay, rau sam, ngọn bầu, bí, cà dĩa..
Canh chua cũng được người Chăm ưa chuộng, nguyên liệu không thể thiếu để nấu canh chua là lá me non. Cá đồng thường dùng để nấu canh chua, ngon nhất vẫn là cá lóc. Vào mùa mưa có ễnh ương, người Chăm cũng có canh chua ễnh ương nấu với cà dĩa rất ngon.
Về làng Chăm vào dịp Katé hay Rija Nagar, khi bà con ở đây làm dê cúng, bạn sẽ được dịp thưởng thức món ăn truyền thống lâu đời là nước xáo thịt dê. Nước xáo ăn chung với thịt dê luộc, rau ăn kèm là giem (lá lốt và đọt chuối non thái nhỏ). Nhiều người Chăm thích ăn nước xáo thịt dê hơn là thịt dê luộc, vì họ xem nước canh là phần tinh túy và chứa nhiều chất dinh dưỡng nhất.
Nước xáo thịt dê ăn kèm với lá lốt và đọt chuối thái nhỏ. |
Canh rau môn cũng là một đặc thù của ẩm thực Chăm. Món canh này ngày thường hiếm có, chủ yếu được nấu trong đám tang hay lễ tế trâu. Nấu canh rau môn không dễ, phải những người am hiểu truyền thống ẩm thực Chăm lắm mới nấu ngon được. Canh rau môn ăn lúc còn nóng mới ngon, ăn cùng với thịt trâu luộc và rau giem.
Dông là loài bò sát có nhiều ở vùng đất nắng Ninh Thuận. Gỏi dông là một đặc sản trong ẩm thực của người Chăm Bà la môn, thường ăn với lá cà ri rừng. Đầu và đuôi dông được để riêng cho cánh đàn ông làm đồ nhắm rượu. Riêng lá cà ri rừng có thể rang, giã nhuyễn với muối để ăn lâu ngày. Ngoài ra, canh chua dông cũng được nhiều người ưa chuộng.
Chuột đồng là món ăn phổ biến và dân dã ở xứ Chăm. Thịt chuột có nhiều cách chế biến như ram, nướng… nhưng ngon nhất vẫn là xào. Rau rừng ăn kèm với thịt chuột là đọt lim, lá xoài non hay rau dẹp.
Món bánh
Người Chăm có nhiều loại bánh, chủ yếu làm để phục vụ trong lễ nghi tôn giáo, cưới hỏi. Các loại bánh phổ biến là tapei anung (bánh tét), tapei bilik (bánh ít), tapei coh (bánh cuốn), sakaya, ginraong laya (bánh củ gừng), kadaor (giống bánh đúc).
Tapei anung cũng như bánh tét người Việt, bánh làm từ nếp, đủ loại nhân như thịt heo, đậu xanh, đậu phộng,… Tapei bilik thì giống như bánh ít. Bánh được làm từ bột nếp, có nhân mặn (đậu xanh) hoặc nhân ngọt (dừa). Hai loại bánh này có mặt hầu hết trong các lễ tục truyền thống Chăm.
Sakaya là loại bánh truyền thống và chỉ dành chiêu đãi những vị khách quý, tu sĩ, người cao tuổi. Chăm có câu “bánh tét ở trên – bánh sakaya ở dưới” phần nào phản ánh tầm quan trọng của hai loại bánh trên trong văn hóa ẩm thực Chăm.
Bánh Ginraong Laya còn gọi là bánh củ gừng. |
Ginraong laya là loại bánh lâu đời và thể hiện tính khéo tay của phụ nữ Chăm. Bánh làm từ bột nếp, đường, trứng và men rượu. Bánh có vị ngọt của đường, béo của trứng và mùi thơm của gừng, do đó gọi nôm na là bánh củ gừng.
Kadaor giống bánh đúc, được làm từ bột gạo xay mịn, pha với nước. Có hai loại, bánh lạt và bánh ngọt. Kadaor thường được tín đồ Chăm đội dâng cúng Po Aluah ở thánh đường Bani trong lễ Ramawan.
Trong phép tắc ăn uống, người Chăm ăn chung một mâm và ngồi theo thứ bậc trong gia đình. Những vị tu sĩ có những kiêng cữ gắt gao như không được ăn cá trê, thịt thú vật chết… Tu sĩ Bàlamôn không được ăn thịt bò, tu sĩ Bani kiêng ăn thịt heo, thịt dông và nhiều kiêng kỵ khác. Ẩm thực Chăm phong phú và mang nhiều sắc thái riêng. Văn hóa trong ẩm thực cũng góp phần làm nên một phong cách ăn uống Chăm khác hẳn với những dân tộc khác.
Paka Jatrang
Nguồn: Vnexpress.net