Những dấu mốc quan trọng trong đời đều xây đắp từ ước mơ có phần viển vông ở khía cạnh nào đấy. Trường hợp của Trần Đặng Đăng Khoa là một ví dụ.
Những dấu mốc quan trọng trong đời đều xây đắp từ ước mơ có phần viển vông ở khía cạnh nào đấy. Trường hợp của Trần Đặng Đăng Khoa là một ví dụ.
Suốt 2 tiếng trò chuyện, Trần Đặng Đăng Khoa làm sống dậy những chuyến đi như thể sẽ bị khuyết một nửa cuộc đời nếu không còn “xê dịch”. Song, giữa hành trình ngang dọc, quê hương vẫn là nơi đẹp nhất trong lòng anh.
Niềm đam mê xê dịch của anh nhen nhóm từ những năm tháng đại học. Tuy nhiên, cuộc sống thời điểm đó khó khăn, đến chiếc xe đạp còn phải đi mượn và phụ thuộc vào phương tiện di chuyển bằng xe buýt, đôi chân. Có lẽ vì vậy, khi nhìn ra khoảng trời từ khung cửa kính xe buýt, anh ước được như bạn bè, một lần ngồi trên xe máy vi vu khắp nơi.
Tốt nghiệp đại học và đi làm một thời gian, anh mua chiếc xe trả góp, cũng là “chiến hữu” đồng hành cùng anh trên chặng đường vòng quanh thế giới. Anh hài hước chia sẻ: “Lúc mới mua xe, chạy từ quê Tiền Giang lên TP.HCM dài 100 km đã thấy mình ‘vĩ đại’ lắm rồi. Sau đó ‘nâng đô’ đi Phan Thiết, Đà Nẵng, Hà Nội và qua khỏi biên giới Việt Nam sang Lào, Campuchia hồi nào không hay”.
Ở Trần Đặng Đăng Khoa luôn toát lên chất “ngông” sẵn sàng làm những chuyện không tưởng. Đầu tiên, chuyến phượt sang Singapore dịp Tết năm 2015 bằng xe máy. Khi nghe anh thổ lộ về hành trình này, nhiều người xua tay ngăn cản bởi thủ tục rườm rà, đường đi khó nhằn. Trước những lời bàn ra, anh vẫn quyết tâm thực hiện và thành công. Với Trần Đặng Đăng Khoa, chuyến đi như bước ngoặt, khiến anh nghĩ nhiều về lý do tự giới hạn bản thân, chỉ quanh quẩn trong Đông Nam Á mà không thực hiện chuyến đi vòng quanh thế giới bằng xe máy.
Khi đề cập đến lý do nhất định chọn xe máy, anh không ngần ngại trích dẫn câu nói khuyết danh rất tâm đắc: “Xe bốn bánh đưa thân xác bạn đi, nhưng xe hai bánh đưa cả tâm hồn”. Theo anh, xe máy giúp dân xê dịch có thể hòa mình vào đời sống của người địa phương, mang lại cảm giác về hành trình trải nghiệm chân thực với nắng gió, mưa sa và cả bão táp, thâu vào tầm mắt hết cảnh đẹp trên đường. Đặc biệt, những nơi hẻm hóc, thú vị chỉ có thể di chuyển bằng xe máy.
Để thực hiện chuyến độc hành ngang dọc một mình trên chiếc xe máy cũ, ngoài chuẩn bị lịch trình, đồ đạc, vật dụng thiết yếu thì giấy thông hành Carnet de passage khiến anh mất nhiều thời gian. Khó nhất là phải làm việc trực tuyến, thuyết phục cơ quan Malaysia cấp tờ giấy quyền lực này. Có thời điểm mọi thứ đi vào ngỏ cụt, bị từ chối và xoay như chong chóng, tinh thần anh xuống dốc. Thế nhưng bằng sự kiên trì, sau thời gian dài miệt mài thuyết phục, anh nhận được cái gật đầu. Vật phẩm này giúp anh thuận tiện di chuyển vào Nepal, Ấn Độ, Iran, Pakistan, Australia và New Zealand.
Sau những cái ôm hôn xúc động tạm biệt gia đình, bạn thân, anh đề máy lên đường. Trần Đặng Đăng Khoa nhớ lại: “Lúc ấy, trong tôi tồn tại quá nhiều cảm xúc đan xen, hồi hộp có, phấn khởi có và bịn rịn có vì không chắc có thể trở về. Chuyến đi này nói theo cách trần trụi, nó tiềm ẩn quá nhiều rủi ro khó lòng lường trước. Tôi chỉ có cái đầu lạnh và trái tim nóng”.
Hành trình 1.111 ngày rong ruổi khắp thế giới đánh dấu cột mốc đáng nhớ của Trần Đặng Đăng Khoa. Nơi đó chứng kiến sự đánh đổi 3 năm thanh xuân, 3 năm bên mẹ cha, 3 năm khăng khít với bạn bè thân thiết… để một mình ngắm nhìn thế giới bao la, hùng vĩ ngoài biên giới dải đất hình chữ S. Từ rừng Amazon, Bắc Cực, Nam Cực đến các lâu đài ở châu Âu, những cánh đồng lớn ở Mỹ hay khu vực mênh mênh của Trung đông, châu Phi… làm nên hành trình của bản ngã và hạnh phúc.
“Ai cũng từng có ước mơ lớn. Người mơ làm phi hành gia, đạt giải Nobel, có thành tựu xuất sắc trong sự nghiệp… Thế nhưng theo năm tháng, nhiều người đánh mất ước mơ. Tôi không muốn như vậy. Dù ai nói gì về kế hoạch vòng quanh thế giới bằng xe máy cũ, tôi vẫn kiên định, một lòng nhìn thẳng về phía trước và từng bước hoàn thành ước mơ. Dẫu sao, ai cũng chỉ sống một lần trong đời, tại sao không dám đi đến tận cùng đam mê”, Trần Đặng Đăng Khoa bồi hồi.
Anh khẳng định dù ngược xuôi nhiều nơi kỳ vĩ trên thế giới, quê hương miền Tây vẫn ở vị trí số một trong lòng. Đó là nơi anh sinh ra, dung dưỡng đam mê cháy bỏng, có những người hiền hòa, chất phác, con sông, bến nước bình yên và gia đình làm hậu phương vững chắc để anh mạnh mẽ vươn ra biển lớn. Anh kể: “Những ngày độc hành vòng quanh thế giới, mỗi lần đề máy xe, tôi lại nhớ nao lòng tiếng xuồng máy trên sông nước quê nhà. Đó là lý do tôi đặt tên xe là Memo (Mekong Motorboat)”.
Vừa qua, Trần Đặng Đăng Khoa thực hiện chuyến đi 3 ngày đến Long Xuyên, Sóc Trăng và Tiền Giang. Hành trình kết hợp giữa du lịch và thăm nhà. Tại mỗi tỉnh, đặc biệt Long Xuyên và Sóc Trăng, anh dành thời gian chạy xe đến các địa điểm tham quan. “Ở Sóc Trăng, tôi thăm chuỗi chùa Đất Sét, chùa Dơi… Tại Long Xuyên, tôi ghé qua chợ, cù lao và những con đường rợp bóng hai bên. Tôi thích nhất chùa Somrong vì có tượng phật nằm độc đáo, tranh thủ cầu nguyện sức khỏe cho gia đình và mọi sự bình an đến với mình trên các cung đường”.
“Bạn đồng hành” trong chuyến đi này của Trần Đặng Đăng Khoa là Air Blade phiên bản 150 cc. Anh hài hước nói: “Đi 3 năm nhìn toàn cảnh đẹp nên mắt hơi kém một chút. Nhờ cụm đèn LED phía trước của xe chiếu sáng tốt vào ban đêm, tôi yên tâm hơn khi đi buổi tối từ tỉnh nay xuyên qua tỉnh kia. Cốp lại rộng chứa được nhiều đồ, không cần đeo ba lô nặng vừa oải, vừa hại cột sống”.
Chiến hữu Air Blade cũng đồng hành cùng anh trên hành trình thưởng thức các món ăn đường phố. Đến tỉnh nào, anh cũng ráng ăn hết đặc sản như cơm tấm Long Xuyên, bún nước lèo Sóc Trăng, chè bưởi miền Tây… Chiều chiều đi dạo trong chợ, anh lại tìm đến si rô đá bào, nghe tiếng leng keng vang của xe đẩy và nhớ lại đoạn tuổi thơ hồn nhiên, mộng mơ thuở nào.
Trong chuyến khám phá miền Tây, anh suýt bỏ lỡ khoảnh khắc mặt trời lặn trên chuyến phà vì điện thoại hết pin. Sau cùng, “bạn đồng hành” đã giúp anh nhờ cổng sạc USB 12 W trong cốp. Với thiết kế đẹp mắt, mang đậm phong cách thể thao cùng động cơ 150 cc mạnh mẽ, Air Blade như “đo ni đóng giày” cho anh – người mang tinh thần sống hết mình với đam mê, bứt phá giới hạn.
Khi biên giới nhiều nước còn đóng cửa và dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Trần Đặng Đăng Khoa đã kịp lên kế hoạch thực hiện chuyến đi xuyên qua các cây cầu dây văng ở miền Tây hoặc dọc con đường biển từ Long An đến Hà Tiên. Với khao khát sống trọn từng khoảnh khắc trong cuộc sống, Trần Đặng Đăng Khoa còn tiếp tục những hành trình truyền lửa, nhiệt huyết chinh phục ước mơ đến các bạn trẻ thế hệ Gen Z.
Nguồn: News.zing.vn