Ai chê người Sài Gòn ‘quê mùa’ chứ Sài Gòn chẳng bao giờ chê ai là người nhà quê!

0
10

 

Những khoảnh khắc rất thảnh thơi giữa lòng một Sài Gòn nhộn nhịp.

Những khoảnh khắc rất thảnh thơi giữa lòng một Sài Gòn nhộn nhịp.

 

Sài Gòn phiền lắm!

 

Sài Gòn không ngủ nên ồn ào từ thủa nào, cả đêm vẫn còn nghe tiếng mì gõ cộc cộc, tiếng rao đủ loại bún, bánh và tiếng xe của mấy “giang hồ hảo hớn” ầm ầm rít gió. Thế nhưng cũng như dân sông nước miền Tây, tôi và lũ bạn ở Sài Gòn đều lớn lên từ lời ru của những làn điệu ca dao, dân ca bình dị mộc mạc nhưng chứa đựng nhiều bài học của người Nam Bộ.

 

Hồi ấy, cứ đến giờ trưa hoặc đêm xuống, nhà nào có em bé thì đều nghe văng vẳng tiếng ru con bình dị. Đến nỗi tôi có thể thuộc lòng hàng trăm bài hát ru như:“Đèn Sài Gòn ngọn xanh, ngọn đỏ/ Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ, ngọn lu/ Anh về học lấy chữ nhu/ Chín trăng em đợi ngàn thu em chờ..” hay “Ví dầu cầu ván đóng đinh/ Cầu tre lắc lẻo ghập ghềnh khó đi/ Khó đi mượn chén ăn cơm/ Mượn ly uống rượu, mượn đờn kéo chơi, “Ngủ đi con nhé con ơi/Mai sau con lớn thành người trò ngoan”…và còn rất nhiều những câu ca dao nghĩa tình lồng chứa bài học về tình mẹ, tình cha, về cách sống sao cho phải đạo. Thật không phải điêu khi nói rằng chính những lời ru ấy đã hình thành cốt cách hào sảng lịch lãm và lối sống trọng nghĩa ân tình của người Sài Gòn. 

 

 

Lúc nhỏ cứ nghĩ Sài Gòn là của người Sài Gòn, lớn lên mới biết đây là nơi sinh sống, lập nghiệp của dân tha huơng cầu thực. Và đặc tính của di dân là luôn đề cao giá trị của việc nương tựa nhau khi gặp khó khăn, thấy người lỡ bước thì phải giúp đỡ, cưu mang.

 

Cũng vì lớn lên, mới thấm được cái tình của người dân sống ở mảnh đất hào hiệp này. Có lần chạy xe bị lạc ở quận 5, hỏi một chú xe ôm, chú chỉ dẫn tận tình nên mình cũng răm rắp nghe theo. Chạy một hồi vô đường một chiều, chạy miết không thấy chỗ quay đầu, có một sự hoảng loạn không hề nhẹ. Ai dè một lúc sau lại thấy chú xe ôm rượt theo trối chết, giọng hớt hải: “Nãy cô đi rồi tui mới nhớ tui chỉ lộn đường, thôi đi theo tui tui chỉ chỗ quay đầu đi lại đường đúng nè!”.

 

Lúc nhỏ cứ nghĩ Sài Gòn là của người Sài Gòn, lớn lên mới biết đây là nơi sinh sống, lập nghiệp của người dân tứ xứ.

Lúc nhỏ cứ nghĩ Sài Gòn là của người Sài Gòn, lớn lên mới biết đây là nơi sinh sống, lập nghiệp của người dân tứ xứ.

 

Xem thêm: Các khách sạn tại Hồ Chí Minh

 

Ở Sài Gòn vậy đó, ra đường không ai dòm ngó ai, trừ khi có người cần giúp. Lỡ đang chạy xe mà bị lếch bánh té cái oạch giữa đường là 5 giây sau thấy người dân tứ phía từ đâu ào ra như đánh trận, thay phiên nhau dựng xe, đỡ người, dắt xe vô lề, hỏi han đủ thứ, gặp cô chú nào khó tánh thì chửi luôn khỏi kiêng nể: “Ai biểu trời mưa mà chạy cho cố xác dzô, chừa nha con!”

 

Chạy xe nhớ gạt chống, buổi tối nhớ mở đèn xe, mặc áo mưa ngồi xe phải gọn gàng, không được để áo rũ xuống dễ mắc vào bánh xe sau. Nếu không lưu ý thì ra đường sẽ bị trên dưới chục người thay phiên nhau nhắc nhở. Sài Gòn phiền lắm!

 

 

Ai chê người Sài Gòn “quê mùa”, chứ Sài Gòn chẳng xem ai là người nhà quê

 

Mảnh đất của những con người thân thiện, phóng khoáng, nghĩa hiệp, thật thà, thẳng thắn, bộc trực… là những gì mà dân nhập cư miêu tả về người Sài Gòn.

 

“Người Sài Gòn nói ít làm nhiều, sống khép kín, nhưng khi người ta đã chấp nhận mình, đã mở lòng với mình rồi, thì người ta rất nhiệt tình. Hễ thấy ai khó khăn là người Sài Gòn sẽ tìm cách giúp đỡ, không thắc mắc, họ chỉ biết hành động theo bản năng như vậy”, chị Thanh Nhàn, bán bánh khọt trong hẻm đường Phan Đình Phùng đã chia sẻ với tôi như thế.

 

Cũng ở con hẻm này, tôi gặp bà Năm, nhân tiện quay sang hỏi bà bán vé số vất vả quá mà lâu lâu còn bị người ta lừa giật vé, bà có ghét Sài Gòn không? Bà nói, bà hổng có ghét cái gì hết. Bà nghèo chứ bà có cà phê để uống, có nhà để ở, người ta thương bà lắm! Rồi bà giới thiệu cô chủ nhà tốt bụng ngày nào cũng cho bà ở nhờ rồi mời bà uống café để tỉnh táo đi bán.

 

 

 

Những câu chuyện thế này không phải là hiếm thấy ở vùng đất mà cả cái “bệnh” ham làm việc thiện cũng dễ bị lây nhiễm. Đến nỗi người ta nói đùa rằng, cứ 1 mét vuông ở Sài Gòn lại mọc lên một dịch vụ từ thiện. Hết trà đá miễn phí đến vá xe miễn phí, hết tặng cơm từ thiện đến bánh mì từ thiện, nơi thì phát áo gió cho người vô gia cư, chỗ thì bày áo trẻ em để các ông bố bà mẹ đem về làm quà cho con. Người Sài Gòn làm từ thiện sáng tạo. Cái gì mà người khác đã làm rồi, họ sẽ làm lại theo cách mới hơn, và lan tỏa toàn thành phố, để đảm bảo bà con lao động ở khu vực nào cũng cảm thấy ấm áp nghĩa tình.

 

Hiếm có thành phố nào nhiều xóm nhiều hội đặc trưng như Sài Gòn, hội tương tế, hội đồng huơng, xóm ve chai Bình Định, xóm vé số Phú Yên. Dân tứ xứ dắt díu lên Sài Gòn mưu sinh rồi tụ về một khu vực nhất định, dân Sài Gòn thông cảm đón nhận hết. Không soi mói, không kỳ thị, không coi thuờng ai. Ai chê người Sài Gòn “quê mùa”, chứ Sài Gòn chẳng xem ai là người nhà quê. Sài Gòn chấp hết, miễn ăn ở sao “coi được” là được!

 

Trong các buổi “bà tám” với bà con lao động đủ mọi vùng miền ở Sài Gòn, họ không chỉ cảm thấy yêu, mà còn biết ơn mảnh đất nghĩa tình hào hiệp này, vì đó là nơi người ta có thể làm lại mọi thứ bắt đầu từ con số 0. Dù giàu hay nghèo, giỏi hay dở, mọi người đều có thể cắm rễ ở Sài Gòn rồi tìm cách đơm bông kết trái. Bà con vô Sài Gòn lập nghiệp, nhờ Sài Gòn mà có nhà cửa, có cái ăn cái mặc, có tiền gửi về nuôi con cháu dưới quê. Rồi con cháu họ lớn lên lại vào Sài Gòn ăn học, đi làm, cất nhà cửa, đón người thân lên sinh sống, và cảm thấy mình đã trở thành người của thành phố này, để lại tiếp tục duy trì cốt cách hào hiệp, thuần phác Sài Gòn với lớp trẻ về sau.

 

 

Xem thêm: Các khách sạn giá rẻ tại Hồ Chí Minh

 

 

Dân nhập cư lâu năm sinh sống ở Sài Gòn nhận xét, nhiều người Sài Gòn gốc sống đơn giản, hồn nhiên như bà con vùng quê Nam Bộ. Đến công ty áo sơ mi sơ vin gọn gàng, hết giờ ra cà phê lề đường ngồi ghế đẩu co một chân lên như mấy bà bán cá ngoài chợ. Đàn bà con gái đi mua sắm cũng tùy hứng, có lúc thấy cái áo hàng hiệu trong shop đẹp quá tạt vô mua cho bằng được, hôm sau ra chợ thấy cái váy đơn giản mà xinh xinh cũng “rinh” về luôn. Toàn thân từ trên xuống dưới “nửa hiệu, nửa chợ”, thích thì mang guốc, không thích thì mang ba-ta, có hôm lười lười xỏ luôn dép lào tung tăng dạo phố, hổng sợ ai đánh giá dè biểu gì hết!

 

Người Sài Gòn giản dị từ cách sống đến cách ăn mặc, hồn nhiên như nhà quê nhưng cốt cách vẫn văn minh lịch lãm. Đi qua đám ma đám giỗ luôn ngả mũ cúi đầu, đi ngang xe rác dù bốc mùi vẫn không bao giờ đưa tay bịt mũi vì sợ người lao công tủi thân, ra đường xe hơi không ép xe máy, xe máy không chèn xe đạp, lỡ có va quẹt thì hai bên đồng thanh “Xin lỗi nghen!” rồi xuề xòa là qua chuyện.

 

 

Một đặc sản của Sài Gòn là kẹt xe. Giờ cao điểm ra đường chẳng khác nào lạc vào Thiên Môn Trận. Muốn luồn lách khỏi đám kẹt xe giờ tan tầm thì chịu khó để ý chút, một con đường ở Sài Gòn có đến hàng trăm cái hẻm bát quái, cứ thấy ai đi tiên phong “xé lẻ” quẹo vô hẻm là biết thể nào cũng có đường ra, cứ bám đuôi theo mà chạy. Riết thành quen, cứ giờ cao điểm là người dân trong hẻm bắc cái ghế ra ngồi trước nhà, ai chạy vô mà ngó nghiêng không biết đường là giơ tay chỉ trỏ cho đến khi người ta ra được đường lớn mới thôi.

 

Có mấy vị “hảo hớn” thỉnh thoảng không biết đường cũng lăm lăm tách khỏi đám đông, hùng hồn quẹo vô hẻm… cụt. Đoàn người tưởng được mở đường cũng xông vô hẻm nuối đuôi, 5 phút sau thấy người người lật đật quay đầu xe, còn cái ông “xúi bậy” thì cười hề hề với cả bọn: “Tui chạy đại chớ có biết đường ra đâu, ai kêu đi theo chi?”

 

 

Xem thêm: Các tour du lịch Hồ Chí Minh giá rẻ

 

Người ta nói, lúc buồn thì xách xe chạy loanh quanh Sài Gòn, bắt chuyện với chú xe ôm, cô ve chai, bà tàu hũ… để nghe họ kể rổn rảng bao nhiêu chuyện lặt vặt Sài Gòn với rất nhiều điều thú vị mà đến dân “chính gốc” có khi còn chưa biết. Đi nhiều, nghe nhiều, mới ngỡ một điều: Hóa ra thành phố này còn quá nhiều điều để yêu và để nhớ!

 

Camnangdulich.vn – Nguồn: Kenh14

Nguồn: News.zing.vn