7 nỗi sợ khiến khách quốc tế không trở lại Việt Nam

0
13
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, người được Bộ Chính trị giao chỉ đạo việc xây dựng Đề án đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ ra 70% khách du lịch đến Việt Nam không trở lại là do sợ cướp giật, trộm cắp, kẹt xe, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường…

Báo cáo tại hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch hôm 9/8 chỉ ra Việt Nam đang đứng trong top trên ở ASEAN về lượng khách quốc tế đến, nhưng 70% trong số đó “một đi không trở lại”. Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, nguyên nhân nằm ở việc tồn tại 7 nỗi sợ của khách du lịch, gồm cướp giật, trộm cắp, kẹt xe, tai nạn giao thông, thái độ phục vụ khách, nhà vệ sinh mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường.

Những nỗi sợ của du khách nước ngoài đến Việt Nam cũng từng được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề cập năm ngoái. Ngoài các nỗi sợ nêu trên, ông Vũ Đức Đam còn chỉ ra nỗi sợ “chặt chém”, vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn xin, ăn cắp vặt.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, người được Bộ Chính trị giao chỉ đạo việc xây dựng Đề án đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ được Bộ Chính trị giao chỉ đạo việc xây dựng Đề án đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhìn nhận ngành du lịch có rất nhiều tiềm năng để phát triển nhưng “nguy cơ tụt hậu là rất lớn”. Thiếu khả năng, dịch vụ và sản phẩm du lịch đặc trưng là 3 điểm yếu cốt tử của du lịch Việt Nam. Do đó, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, vấn đề quan trọng nhất là phải thay đổi tư duy, tức là một ngành kinh tế dịch vụ, hoạt động theo quy luật của kinh tế thị trường.

Tiếp đến là coi trọng việc nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng du lịch, giao thông và lưu trú, tập trung vào các vùng du lịch trọng điểm các khu du lịch quốc gia, điểm du lịch quốc gia và các đô thị du lịch, không đầu tư dàn trải.

Ngành du lịch là ngành kinh tế, có dấu ấn văn hóa sâu sắc, có tính liên kết rõ nét. Ông Huệ cho rằng phải coi trọng tính cộng đồng trong kinh doanh du lịch, nâng cao chất lượng du lịch, tạo ra các sản phẩm du lịch có tính khác biệt, đẳng cấp và sức cạnh tranh cao.

Giai đoạn 2011-2015, tăng trưởng du lịch của Việt Nam đạt 7%, Campuchia là 8%, Singapore 10%, Thái Lan 12%, Lào 15%, Myanmar 51%. Trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam được Ngân hàng Thế giới công bố năm 2015, Việt Nam xếp thứ 75/141 nước tham gia đánh giá. So với các láng giềng, Việt Nam đứng trên Lào, Myanmar.

Tiềm năng của Việt Nam được xếp rất cao. Về sức cạnh tranh giá, Việt Nam đứng thứ 22, tài nguyên văn hóa 33, tài nguyên thiên nhiên 40. Song năng lực cạnh tranh thực tế rất thấp, như tiêu chí mở cửa quốc tế đứng thứ 59, giải quyết các yêu cầu thiết thực 119, bền vững môi trường 134/141.

Xem thêm: Số điện thoại đường dây nóng cần nhớ khi bị ‘chặt chém’

Nguyễn Chung

Nguồn: Vnexpress.net