7 lý do hạn chế khách du lịch quốc tế đến Việt Nam

0
9
7 ly do han che khach du lich quoc te den Viet Nam hinh anh 1 Lượng du khách quốc tế đến Việt Nam đã giảm 5.9% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Vir.com.vn.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam đến hết tháng 9, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 5,6 triệu lượt, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dưới đây là chia sẻ của độc giả Linh Nhi dành cho Zing.vn.

Việt Nam có rừng vàng biển bạc, khí hậu bốn mùa rõ rệt, cảnh quan thiên nhiên ưu đãi cùng bề dày văn hóa lịch sử mà bất cứ ai trong dân tộc Việt cũng tự hào. Điều kiện phát triển du lịch thuận lợi, vậy tại sao số lượng du khách quốc tế đến Việt Nam lại giảm dần?

Thủ tục cấp visa chậm và phức tạp

Đây là một vấn đề từng được đưa ra bàn thảo trong nhiều cuộc hội đàm về phương hướng phát triển du lịch. Đối với người muốn đi du lịch quốc tế, thủ tục xin visa thông thoáng, nhanh gọn, thuận tiện là yếu tố đầu tiên và quan trọng để quyết định nên chọn điểm đến nào để du lịch. Đặc biệt, điểm đến nằm ở quốc gia không yêu cầu visa luôn là ưu tiên hàng đầu.

Đến nay, nước ta mới chỉ miễn cấp thị thực cho 7 quốc gia là Nga, Nhật, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Hàn Quốc, Phần Lan và 10 nước ASEAN, mới có quy định miễn thị thực 15 ngày cho du khách từ Anh, Itay, Đức, Tây Ban Nha trong khoảng tháng 7/2015 – 6/2016. Trong khi đó, một số quốc gia lân cận đã đơn giản hóa thủ tục, thậm chí còn có sự ứng dụng công nghệ cấp thị thực qua mạng. Singapore miễn thị thực cho công dân của 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, Thái Lan miễn thị thực cho hơn 50 quốc gia…

Thủ tục lâu và rối rắm gây tâm lý e ngại cho du khách. Đây là một hạn chế rất lớn việc thu hút khách đến Việt Nam.

Bất cập về thời gian thị thực

Một du khách Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam thổ lộ rằng ông ta muốn đến Việt Nam và làm một hành trình xuyên Việt đến tất cả các điểm du lịch trên đất nước. Thời gian ước chừng hơn 2 tháng. Tuy nhiên quy định mới về thời gian thị thực cho người nước ngoài ở Việt Nam lại chỉ gói gọn trong 15 ngày. Thủ tục lại quá rườm rà trong khi thời gian được phép ở Việt Nam quá ngắn, khiến du khách không thể thực hiện hết kế hoạch. Đây cũng là một lý do gây nên tâm lý e ngại của khách quốc tế đến Việt Nam.

Phí, vé tại các điểm du lịch tăng

Vé vào cửa và các phương tiện phục vụ di chuyển tại các điểm đến du lịch trong những năm gần đây luôn tăng cao. Ví dụ vé tắm bùn ở Nha Trang trước đây là 1,2 triệu đồng một người, hiện nay tăng lên 1,6 triệu đồng, vé đi tàu ra các đảo ở Hạ Long tăng từ 140.000 đồng lên 170.000 đồng…

Vé tăng, cơ sở vật chất phục vụ không tăng, gây nên tâm lý khó chịu. Đồng thời, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn sự đối nghịch về sự phát triển bền vững trong du lịch.

Cơ sở phục vụ du lịch không phát triển

Trong hoạt động du lịch, cơ sở vật chất đóng một vai trò hết sức quan trọng . Sự phát triển của ngành du lịch gắn liền với việc xây dựng và hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật.

Tuy nhiên, điều này ở nước ta hiện nay vẫn còn rất kém. Rất nhiều cơ sở bị xuống cấp nặng nề, nhiều điểm du lịch cơ sở vật chất không đáp ứng đu nhu cầu của khách.

Ví dụ, du lịch Sa Pa rất hút khách Việt và quốc tế. Con đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai được đưa vào sử dụng càng làm cho lượng khách đến đây đông hơn. Nhưng số lượng khách sạn nhà nghỉ ở đây tăng chưa kịp nhu cầu, dẫn đến việc “cháy phòng” ở các thời điểm vào mùa cao điểm.

Thái độ phục vụ kém

Tình trạng chèo kéo khách, chém giá, ứng xử kém văn minh… là những yếu tố gây mất thiện cảm trong mắt du khách quốc tế. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến sự thiếu hụt đội ngũ nhân viên phục vụ du lịch thông thạo ngoại ngữ. Đây là một rào cản lớn khiến việc quảng bá du lịch của nước chậm phát triển.

Chênh lệch trong giá cả giữa khách nội địa và khách quốc tế

Đây là một vấn đề bất cập và khó quản lý.

Ví dụ giá vé lặn biển (tại Hòn Mun, Nha Trang) cho người Việt Nam là 600.000 đồng một lần và 950.000 đồng hai lần. Nhưng vé cho người nước ngoài lại là 800.000 đồng một lần và 1,15 triệu đồng 2 lần.

Sự chênh lệch trong cách cư xử và chi phí phục vụ, trong khi chất lượng phục vụ không có sự khác nhau đã gây một sự khó hiểu, mất thiện cảm đối với khách quốc tế khi đến Việt Nam.

7 ly do han che khach du lich quoc te den Viet Nam hinh anh 1 Lượng du khách quốc tế đến Việt Nam đã giảm 5.9% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Vir.com.vn.
Lượng du khách quốc tế đến Việt Nam đã giảm 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Vir.

Bản sắc văn hóa bị mai một

Việt Nam với hơn 50 dân tộc anh em với những bản sắc văn hóa dân tộc riêng biệt. Chúng ta tự hào có những truyển thống văn hóa cổ và đặc sắc. Thế nhưng, nhìn lại một cách thẳng thắn, bao nhiêu bản sắc văn hóa ấy còn được gìn giữ, và gìn giữ được bao nhiêu phần? Bao nhiêu phong tục còn giữ được nét truyền thống hay đã chịu sự ảnh hưởng của thương mại hóa? Việt Nam trong mắt du khách quốc tế không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên đẹp và ẩm thực phong phú, mà còn hấp dẫn bởi có những làng nghề truyền thống lâu đời, những ngôi làng cổ kính rêu phong, hay những phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số… Thế nhưng phần đa trong số ấy không còn giữ được những nét truyền thống vốn có mà đã có sự ảnh hưởng của cuộc sống hiện đại. Điều này đã dẫn đến một tâm lý hụt hẫng trong mắt du khách.

Nguồn: News.zing.vn