Bánh tét lá cẩm, bánh pía, kẹo dừa, lạp xưởng… gắn liền với đặc trưng địa phương mang đến hương vị khó quên cho người thưởng thức.
Những người con xa quê đã lâu, khi trở về thăm lại chốn xưa thường hay mua một ít bánh về làm quà cho người thân. Những món quà gắn liền với đặc trưng từng địa phương luôn được nhiều du khách ưa chuộng bởi nét độc đáo, dân dã nhưng chứa đựng biết bao ký ức của mỗi vùng miền.
5 món bánh mang đậm đặc trưng văn hóa miền Tây Nam Bộ dưới đây được nhiều du khách mua về làm quà cho người thân trong mỗi dịp đi du lịch hay trở về thăm quê.
Bánh pía Sóc Trăng
Dọc theo mọi con đường của tỉnh Sóc Trăng, du khách dễ dàng bắt gặp những chiếc bánh tròn dẹp, đẹp mắt và có mùi vị ngọt ngào, được bày bán tại nhiều cửa hàng. Đó là bánh pía, đặc sản số một của vùng đất này.
Bánh pía Sóc Trăng không quá ngọt và không quá béo, có thể ăn lai rai không biết ngán. Những người khách phương xa đến đây, khi về ai cũng mua một ít bánh làm quà cho người ở nhà. Chiếc bánh nhỏ bé nhưng ẩn trong đó là hương thơm đậm đà của vùng đất Nam Bộ. Có thể gọi bánh pía là một món ngon miền Tây “được lòng” du khách nhất.
Bánh pía có một hương vị rất đặc trưng. Cắn miếng bên ngoài, thực khách sẽ cảm nhận được vị thơm của bột. Khi thưởng thức phần nhân bên trong, thực khách sẽ nhận thấy vị dẻo bùi của khoai môn hòa với mùi sầu riêng thơm nức, vị ngọt của đường và vị mặn của lòng đỏ trứng. Tất cả được phối trộn một cách hài hòa độc đáo. Nếu có dịp đặt chân đến mảnh đất này du khách đừng quên thưởng thức bánh pía và mua làm quà cho người thân.
Bánh tét lá cẩm Cần Thơ
Bánh tét lá cẩm là đặc sản ở Cần Thơ. Qua bàn tay khéo léo của người thợ làm bánh nhà họ Huỳnh, đòn bánh tét đơn giản trở nên bắt mắt hơn với màu tím lá cẩm.
Lá cẩm tươi được rửa sạch, nấu và lọc lấy nước để làm màu bánh. Đậu xanh ngâm rồi nấu nhừ, còn gạo đem trộn nước lá cẩm và cốt dừa, thêm muối, đường và xào trên bếp lửa khoảng một tiếng để thấm vào hột nếp. Bánh ngon phải được buộc bằng dây nilon, nấu bếp củi, khoảng 4-5 tiếng là chín.
Giá một đòn bánh tét dao động từ 60.000 đến 95.000 đồng.
Kẹo dừa Bến Tre
Kẹo dừa là một loại kẹo được chế biến từ nguyên liệu chính là cơm dừa và đường mạch nha. Đây là loại kẹo đặc sản và là một nghề thủ công truyền thống mang đậm văn hóa xứ sở. Việt Nam có nhiều vùng trồng dừa, nhưng Bến Tre chính là nơi ra đời và phát triển nghệ thuật chế biến kẹo dừa.
Kẹo dừa Bến Tre hiệu Thanh Long hay Bến Tre là một trong những loại kẹo dừa ngon nổi tiếng nhất miền Nam, thích hợp làm quà biếu. Kẹo có nhiều vị khác nhau như truyền thống, đậu phộng sầu riêng, dừa lá dứa sầu riêng… để khách hàng chọn lựa.
Lạp xưởng
Sóc Trăng từ xưa không những đã nổi tiếng với bánh pía mà còn được nhiều khách phương xa nhắc đến với món lạp xưởng Mai Quế Lộ. Đây là một trong những món ăn quen thuộc trong ngày Tết. Lạp xưởng là một món ăn rất quen thuộc với nhiều người bởi dễ bảo quản cũng như chế biến. Bạn chỉ cần chiên, hấp, luộc hay nướng là có thể thưởng thức món lạp xưởng thơm phức. Nếu thêm một ít đồ chua ăn cùng cơm trắng thì đây là mâm cơm hấp dẫn không hề ngán trong những ngày Tết.
Ngoài ra, lạp xưởng tươi Cần Giuộc ở Long An là món ăn khá nổi tiếng. Thật khó để có thể nói lạp xưởng ở đâu ngon nhất, vì mỗi vùng miền đều có tinh hoa đất trời, những nghệ nhân với bàn tay khối óc đặc trưng. Như ở Cần Giuộc, lạp xưởng đâu chỉ làm làm từ thịt heo mà còn tôm đất. Còn cách làm thì cũng như nhau, cứ má truyền cho con, coi nhau làm, sau đó tùy chế biến.
Lạp xưởng sau khi được chế biến xong, ngoài ăn với cơm trắng, xôi. Đây cũng là thành phần thiết yếu trong món kim tiền kê, cơm rang dương châu. Món lạp xưởng chiên thái lát mỏng, ăn với tôm khô và củ kiệu để đãi khách cũng như gia đình ngày Tết luôn để lại những ký ức khó quên trong lòng mỗi người.
Bánh tráng sữa Bến Tre
Bắt nguồn từ Bến Tre, món bánh tráng sữa được làm chủ yếu từ dừa, bột gạo, pha với bột sắn, nước, đường, mè, đậu xanh, lá dứa, sầu riêng theo một tỷ lệ nhất định. Khi tráng bánh, người ta trải một tấm khăn trên nồi có nước sôi bên trong. Để ra được bánh tráng sữa vừa mềm, dẻo, thơm phụ thuộc không chỉ vào kỹ thuật, mà động tác đổ bánh cũng phải thật khéo léo, nhanh nhẹn, cuối cùng là rắc mè lên trên. Bánh chín, người ta để lên nan tre mỏng và phơi nắng 3-5 ngày là dùng được.
Vị bùi béo của nước cốt dừa kết hợp với độ mịn, mềm từ bột gạo cùng bột sắn, cộng thêm mùi thơm của sầu riêng tạo nên hương vị ấn tượng, khó quên cho món bánh tráng sữa.
Ngoài ra, du khách còn có thể tìm mua các loại đặc sản vùng miền khác như giò chả (chả cốm Hà Nội, giò lụa, giò bò); nem (nướng Thủ Đức, nem Lai Vung); rượu (rượu bưởi Tân Triều, rượu dừa); mứt (mứt dừa non, mứt mãng cầu), khô (khô cá sặc rằn, tôm khô)… Những món này có mặt hầu hết ở các tỉnh, thành và Sài Gòn hoặc tham khảo tại Cửa hàng Món ngon Đặc sản – 46/25A Bạch Đằng, phường 24, quận Bình Thạnh, TP HCM. Di động: 0903.836.367. Email: lienhe@banhmihangxanh.com. Website: banhmihangxanh.com.
Hưng Thịnh
Nguồn: Vnexpress.net