Trước đây, tôi luôn thắc mắc tại sao ngành du lịch Thái Lan lại phát triển mạnh mẽ, dù về nhiều mặt, Việt Nam có điều kiện thuận lợi hơn.
Tôi thường đùa với bạn bè: “Nếu muốn biết Việt Nam 20 năm sau như thế nào, hãy đến Thái Lan, còn nếu muốn biết Việt Nam 70 năm trước như thế nào, hãy đến Ấn Độ”.
Điều đầu tiên tôi cảm nhận được khi vừa đặt chân đến đất nước Thái Lan là cơ sở hạ tầng hơn hẳn Việt Nam. Sân bay Suvarnabhumi gây choáng ngợp cho những ai đến đây lần đầu tiên. Hệ thống đường xá được quy hoạch tổng thể, hoạt động ổn định, không phải bới lên đào xuống. Các tòa nhà, các trung tâm thương mại mọc lên san sát khắp nơi. Hệ thống tàu điện trên cao kết nối tới các điểm đến quan trọng của thủ đô Bangkok. Hệ thống xe bus kết nối rộng khắp các địa điểm du lịch của cả nước, khiến việc đi lại rất thuận tiện và dễ dàng.
Thứ hai, dịch vụ du lịch ở Thái Lan vô cùng phong phú và đa dạng. Pattaya – được mệnh danh “vùng đất ăn chơi của thế giới” – luôn nhộn nhịp và hấp dẫn. Bãi biển dài nhiều cây số với bờ cát trắng mịn màng, hàng dừa xanh mướt dọc bên đường. Xa xa ngoài biển là những đoàn moto lướt sóng, nhảy dù hay những đoàn tàu du lịch đông đúc.
Bãi biển Pattaya, Thái Lan. |
Nhà hàng, khách sạn từ bình dân đến cao cấp phục vụ cho mọi yêu cầu của khách du lịch. Các quầy hàng lưu niệm, cửa hàng tiện lợi, quầy hàng mua sắm ở khắp mọi nơi, giá cả được niêm yết rõ ràng. Phố đi bộ với hệ thống các quán bar, nhà hàng, cửa hàng với đủ các loại dịch vụ hấp dẫn khiến cho khách du lịch không thể rời mắt.
Phố đi bộ về đêm. |
Giá cả cũng là một thế mạnh của thủ đô Thái Lan. Ở đây, tôi được hưởng dịch vụ tốt hơn hơn so với những nơi mà tôi đặt chân đến tại Ấn Độ và Nepal, nhưng là nơi mà tôi chi trả ít nhất. Từ giá vé máy bay, xe bus hay phòng khách sạn, nhà hàng, đến các quầy hàng rong vỉa hè đều có giá cả rất dễ chấp nhận. Không quá lời khi nhiều người hay nói, đi du lịch Thái Lan còn rẻ hơn đi Nha Trang hay Đà Lạt.
Điều quan trọng, nhất quyết định sự thành công của ngành du lịch Thái Lan là con người. Những người bán hàng rong, xe ôm hay người phụ xe bus, anh cảnh sát, tiếp viên hàng không luôn khiến tôi cảm thấy yên tâm và thực sự hài lòng. Họ luôn mỉm cười thân thiện và nhiệt tình giúp đỡ. Đa số mọi người đều nói được một chút tiếng Anh giao tiếp. Đến Bangkok 2 ngày nhưng,tôi lại thoải mái hơn khi ở Hà Nội.
Người bán hàng không nói thách với người nước ngoài. Giá bán cho người Thái và người nước ngoài là như nhau. Các anh xe ôm chỉ mời một câu. Khi tôi từ chối, họ đều mỉm cười, gật đầu, không chèo kéo thêm. Tôi vào quán rong ven đường mua đồ uống, nhưng từ chối lấy túi nilon đựng đồ vì thấy không cần thiết. Người bán hàng cảm ơn rồi trả lại mấy bath, khiến tôi ngỡ ngàng.
Có sản phẩm tốt, nhưng bán được hàng hay không lại là chuyện khác. Người làm kinh doanh phải làm marketing thật tốt. Người Thái rất giỏi điều này. Họ quảng bá du lịch khắp nơi, từ nước giàu cho đến nước nghèo, nhiều lĩnh vực như phim ảnh, ca nhạc, ẩm thực…, với nhiều đối tượng khách hàng, từ du lịch tâm linh cho đến du lịch giải trí.
Một khách du lịch như tôi khi đến Thái Lan, thấm đẫm sự hài lòng đối với đất nước, con người Thái Lan, sẵn sàng tung lời khen ngợi. Bạn có tò mò và mong ước một ngày gần đây nhất sẽ được đặt chân đến đất nước tuyệt vời này một lần không? Tôi chắc rằng câu trả lời là có.
Như vậy, người Việt Nam lại chính là đại sứ du lịch của Thái Lan trên chính đất nước mình. Đó chính là cách làm marketing tuyệt vời nhất. Và cứ thế, hàng chục triệu du khách nước ngoài kéo đến xứ chùa vàng ngày càng đông, đem lại nguồn thu khổng lồ cho đất nước họ.
Nguồn: News.zing.vn