Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng và có lộ trình để mở cửa đón khách du lịch quốc tế, tránh chậm chân vì nhiều quốc gia đã đi trước một bước. Trong đó, hộ chiếu vắc-xin không phải là điều kiện duy nhất.
Đối thủ đi trước một bước
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan xem xét, nghiên cứu từng bước mở lại các đường bay quốc tế, chuẩn bị tốt các phương án triển khai áp dụng “hộ chiếu vắc-xin” và giao thương có kiểm soát.
Trước đó, Thủ tướng cho hay ông đã nhận được bản kiến nghị về việc mở cửa trở lại du lịch quốc tế từ Hội đồng tư vấn du lịch (TAB). Trao đổi rõ hơn về kiến nghị này, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký TAB, nhấn mạnh, quan điểm của TAB là ủng hộ mạnh mẽ chính sách của Chính phủ về việc không hy sinh và không gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng người dân Việt Nam để đổi lấy lợi ích kinh tế.
Việc tái mở cửa biên giới cần an toàn và bền vững. Việt Nam chỉ mở cửa cho du lịch quốc tế khi chúng ta đã yên tâm về độ an toàn của nơi tiếp nhận khách và nơi khách xuất phát đi du lịch, ông Chính, thay mặt TAB, bày tỏ.
Đón khách quốc tế, điều kiện tiên quyết là đảm bảo an toàn dịch bệnh |
Tuy nhiên, TAB nhận thấy cần sớm chuẩn bị mở cửa cho du lịch quốc tế bởi vai trò quan trọng của ngành khi đóng góp tới 9,2% vào GDP, chưa kể những tác động lan tỏa. Du lịch tạo ra việc làm cho 2,2 triệu lao động trực tiếp, nếu tính cả gián tiếp ước chừng 4,5 triệu người; đem lại doanh thu 30 tỷ USD.
Quan trọng hơn, khi vắc-xin ngừa Covid-19 được tiêm đại trà, một số quốc gia là đối thủ của du lịch Việt Nam đã sẵn sàng mở cửa đón khách. Điển hình như Singapore và Thái Lan, cả hai đều đang đi trước một bước trong việc chuẩn bị mở cửa. Theo ông Chính, nếu họ mở cửa thật, có nghĩa cơ hội của du lịch Việt Nam sẽ giảm và không biết khi nào ngành du lịch nước ta mới đuổi kịp. Bởi, việc chuẩn bị cũng mất ít nhất vài ba tháng.
Trong khi đó, nếu chỉ phục hồi du lịch nội địa thì khó có thể phục hồi hoàn toàn ngành du lịch, đặc biệt là các doanh nghiệp du lịch, khách sạn,… vốn chịu đòn đau từ cú giáng Covid-19. Hơn nữa, doanh thu từ khách quốc tế lên tới 18,3 tỷ USD, trong khi lượng khách chỉ chiếm 1/5; còn doanh thu từ 85 triệu khách nội địa chỉ 14,5 tỷ. Một khách quốc tế đến Việt Nam chi trung bình trên dưới 1.000 USD, còn khách Việt chỉ chi 170 USD, nếu mở cửa đón khách Tây nguồn thu sẽ tăng lên đáng kể.
Có một thực tế là, không thể phục hồi được du lịch quốc tế nếu chưa phục hồi du lịch nội địa. Vì thế, xét về thứ tự ưu tiên, khách du lịch quốc tế xếp sau. Song, Việt Nam cần sớm chuẩn bị. Singapore, dù chưa mở cửa đón khách, nhưng ã lên các phương án và lộ trình chi tiết chuẩn bị đón khách từ tháng 12 năm ngoái, khi cần có thể triển khai ngay.
Trên thế giới, khoảng trên 10 nước đã chấp nhận hộ chiếu vắc-xin |
Hộ chiếu vắc-xin: không phải là cách duy nhất
Để du lịch Việt Nam không bị tụt lại phía sau, Hội đồng tư vấn du lịch đề xuất Chính phủ và các cơ quan chức năng xem xét để Việt Nam tái mở cửa biên giới một cách an toàn và bền vững.
TAB lập luận, chúng ta không thể mở cửa ngay mà cần xem xét kỹ càng, có cách làm cẩn thận, với lộ trình cụ thể để đảm bảo an toàn, tránh rủi ro gây lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng, đồng thời cho phép từng bước mở cửa cho việc đi lại mà không phải cách ly. Chứ theo ông Chính, đi du lịch mà bị cách ly 14 ngày, không ai muốn đi cả.
Do đó, Hội đồng đề xuất Chính phủ thành lập nhóm chuyên gia, là đại diện của các bộ, ngành như Y tế, Ngoại giao, Giao thông Vận tải, Quốc phòng, Tài chính,… Nhóm chuyên gia này sẽ nghiên cứu các tiêu chí về an toàn dịch bệnh, từ đó đánh giá nước nào có đủ điều kiện để Việt Nam yên tâm đàm phán đón khách. Chúng ta chỉ đàm phán song phương, không mở cửa cho tất cả, như Singapore hiện đã có danh sách này.
Ông Chính cho hay, khách quốc tế đến Việt Nam cần được áp dụng đúng quy trình, trong đó hộ chiếu vắc-xin hoặc chứng chỉ tiêm vắc-xin là yêu cầu bắt buộc, ngoài ra là xét nghiệm PCR trước chuyến bay và test nhanh khi khách đến sân bay. Thời gian cách ly, chờ kết quả khoảng 3 ngày.
Song, ông lưu ý, quan điểm của TAB và cá nhân ông rằng vắc-xin không phải là biện pháp duy nhất và an toàn nhất, mà cần kết hợp với nhiều biện pháp đồng bộ khác, bởi ngay cả với hộ chiếu vắc-xin tính minh bạch chưa chắc đã đảm bảo 100%.
Việt Nam kỳ vọng mở cửa đón khách quốc tế vào quý 3-4 trong năm nay |
Ngoài ra, nên có chính sách bảo hiểm y tế bắt buộc, bao gồm bảo hiểm Covid-19 cho tất cả khách quốc tế đến Việt Nam, sau đó là khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài nhằm đảm bảo quyền lợi và sự an toàn cho du khách nếu gặp rủi ro dịch bệnh, chuyến đi bị hủy, hoãn cũng như phải điều trị y tế hay về nước. Các doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam cần sớm được phép nghiên cứu, bán các sản phẩm bảo hiểm du lịch này.
Đồng thời, xây dựng quy trình đón và phục vụ du khách an toàn trong thời buổi dịch bệnh.
Như vậy, với các giải pháp toàn diện, Việt Nam kỳ vọng từng bước mở cửa đón khách quốc tế. Theo ông Chính, có ba kịch bản được đưa ra: kịch bản lạc quan là chúng ta sẽ mở cửa trong quý 2, nhưng chắc chắn điều này không xảy ra; kịch bản trung bình là mở cửa đón khách trong quý 3; kịch bản bi quan là sang quý 4, thậm chí năm 2022 mới mở cửa.
TAB kỳ vọng vào kịch bản trung bình, khi Việt Nam có thể mở cửa dần từ quý 3, để đón khách du lịch quốc tế. Hiện du lịch Việt Nam có hai thị trường, thị trường gần và thị trường xa. Thị trường gần gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, các nước ASEAN, khách đi du lịch quanh năm, nếu Việt Nam thí điểm mở cửa vào quý 3 sẽ đón được khách,… nhưng với điều kiện các nước này khống chế được dịch bệnh. Từ tháng 10, tức quý 4, sẽ thí điểm mở một vài thị trường xa.
Tuy nhiên, ông Chính nhìn nhận, việc mở cửa còn tùy thuộc vào việc tiêm chủng của Việt Nam và các thị trường nguồn cũng như sự đồng thuận của tất cả các bộ, ngành. Chưa kể, giờ chúng ta mới chuẩn bị nên chưa biết bao giờ mới mở được cửa đón khách quốc tế.
Các thị trường đang chuẩn bị mở cửa đón khách du lịch: – Singapore đã thiết lập 3 phương án mở cửa với một số quốc gia: Mở cửa đơn phương, Làn xanh đối ứng và Bong bóng du lịch. – Sri Lanka thiết lập các Bong bóng an toàn sinh học (Bio Bubbles), giới hạn giao tiếp của một người chỉ với những người đã được xét nghiệm Covid-19 âm tính, thường áp dụng cho các vận động viên hoặc các nhóm lớn khác đến địa phương. Bao gồm các hạn chế đi lại, đôi khi ngay cả trong khách sạn và hầu hết đòi hỏi phải xét nghiệm Covid thường xuyên. – Thái Lan đang xem xét cho phép giảm thời gian cách ly đối với tất cả du khách xét nghiệm âm tính với Covid-19 trước chuyến đi, hoặc chứng chỉ tiêm vaccine. Indonesia/Bali đang xem xét cho phép Du lịch đại trà trở lại thông qua việc thành lập các Khu vực Xanh. – Đài Loan đang xem xét giảm thời gian cách ly đối với du khách đến từ các quốc gia có nguy cơ thấp hoặc trung bình. – Maldives đã thành công trong việc mở cửa du lịch và có một mùa du lịch rất thành công. Yêu cầu rất đơn giản là khách chỉ cần đặt vé, làm xét nghiệm PCR 72 giờ trước khi đi du lịch. Ngoài ra, cần phải có xác nhận của khu nghỉ mát với đặt phòng và thị thực 30 ngày nhận tại cửa khẩu. Nay, có thêm yêu cầu giấy chứng nhận tiêm chủng hợp lệ. (Theo Hội đồng tư vấn du lịch) |
Ngọc Hà
Nguồn: Vietnamnet.vn