3 lần khách Việt trốn lại nước ngoài khiến công ty lữ hành điêu đứng

0
14
3 lan khach Viet tron lai nuoc ngoai khien cong ty lu hanh dieu dung hinh anh 1

Việc khách Việt Nam bỏ trốn khi đi du lịch nước ngoài không phải quá hiếm gặp. Hành động của họ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh đất nước và các công ty du lịch.

Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam vừa đưa thông báo về án phạt dành cho 8 đơn vị lữ hành do “vi phạm nghiêm trọng quy ước đã cam kết”. Trong số này, 7 công ty bị hủy bỏ tư cách đại diện xin cấp visa đoàn cho du khách đi tour. Chi nhánh của Vietravel tại Hà Nội theo đó bị đình chỉ tạm thời trong 6 tháng, tính từ 1/7.

Trả lời Zing.vn, đại diện Vietravel cho biết nguyên nhân dẫn đến án phạt từ Đại sứ quán là do tình trạng khách trốn ở lại xứ anh đào sau khi đi tour. Cụ thể, năm 2018, Công ty Du lịch Vietravel tổ chức cho hơn 566 đoàn với gần 17.000 du khách đến Nhật Bản du lịch. Trong đó, chi nhánh tại Hà Nội đã có 3 khách không về lại cùng đoàn và 2 khách về sau đoàn.

3 lan khach Viet tron lai nuoc ngoai khien cong ty lu hanh dieu dung hinh anh 1
Vietravel nằm trong danh sách 8 doanh nghiệp bị Đại sứ quán Nhật Bản hủy bỏ hoặc đình chỉ tư cách đại diện xin cấp visa đoàn cho du khách đi tour.

Thực tế, chuyện khách đi tour rồi trốn ở lại, không quay về Việt Nam từng xảy ra rất nhiều. Phía Đại sứ quán Nhật Bản dù không tiết lộ thêm thông tin cũng cho biết “các đơn vị Việt Nam được ủy quyền bị đình chỉ không phải chuyện chưa có tiền lệ”. Trước đó, nguồn tin của Zing.vn cũng khẳng định nguyên nhân chủ yếu khiến các đơn vị bị tước quyền đại diện chính là để khách bỏ trốn sau khi đi tour…

Cuộc tìm kiếm 152 người biến mất ở Đài Loan

Tháng 12/2018, một vụ mất tích với số lượng người được đánh giá là chưa từng có đã xảy ra ở Đài Loan (Trung Quốc). 152 hành khách Việt Nam đi du lịch theo nhóm đã bỏ trốn ngay sau khi làm xong thủ tục nhập cảnh vào sân bay TP Cao Hùng.

Phía Đài Loan đã cử đội đặc nhiệm để tìm kiếm những người bỏ trốn. Cũng liên quan đến sự việc này, Đài Loan đã hủy đơn xin thị thực của 182 khách Việt Nam dự kiến tới đây theo chương trình “Quan Hồng”.

Đến ngày 2/1, Taiwan News cho biết Đài Loan đã bắt được 24 người, còn 124 hành khách khác vẫn mất tích (4 người tự nguyện về nước trước đó). Cơ quan Di trú Đài Loan cho biết những người Việt bỏ trốn có thể bị kết án 3 năm tù hoặc phải nộp 2.900 USD.

3 lan khach Viet tron lai nuoc ngoai khien cong ty lu hanh dieu dung hinh anh 2
Những người Việt bỏ trốn ở Đài Loan bị bắt giữ. Ảnh: NIA.

Trả 10.000 USD và bỏ trốn ở “đảo thiên đường” Hàn Quốc

Đảo Jeju từ lâu đã nổi tiếng là điểm đến hút khách du lịch. Tuy nhiên, không ít trường hợp tới đây để tìm đường bỏ trốn do Jeju là một trong những điểm đến tiềm năng của lao động bất hợp pháp.

Tháng 1/2016, 59 du khách Việt Nam theo đoàn du lịch đảo Jeju từ 11-17/1 bỗng “mất tích” đã gây ra cơn chấn động trong dư luận.

3 lan khach Viet tron lai nuoc ngoai khien cong ty lu hanh dieu dung hinh anh 3
Jeju là điểm đến của nhiều lao động bất hợp pháp. Ảnh: Getty.

59 người này đến đảo Jeju theo chương trình tour 6 ngày của công ty Woori Club Travel (Hàn Quốc). Tại thời điểm xảy ra vụ việc, phía Hàn Quốc miễn visa cho khách vào đảo nên đơn vị bán tour không yêu cầu khách phải chứng minh thu nhập, nghề nghiệp…

Đến 15/2, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Jeju cho biết họ đã tìm được 33 du khách trong số này ở các nhà trọ khác nhau trên đảo. Tại cơ quan điều tra, những người bị bắt thừa nhận hành vi bỏ trốn. Họ cho biết đã phải trả cho môi giới ở Việt Nam hơn 10.000 USD.

15 hành khách “bốc hơi” trong đêm đầu tiên ở Israel

Tháng 12/2013, dư luận xôn xao với thông tin cả đoàn 15 hành khách biến mất ở Israel. Nhóm này đặt tour du lịch Israel từ 1-8/12. Ngay sau khi nhập cảnh, hướng dẫn viên đã thu lại hộ chiếu của họ. Tuy nhiên, chỉ trong đêm đầu tiên, 15 người đều mất tích một cách bí ẩn, bỏ lại hướng dẫn viên và đại diện công ty du lịch hốt hoảng vì không hiểu chuyện gì xảy ra.

Tại thời điểm diễn ra sự việc, Đại sứ quán Việt Nam tại Israel tiết lộ đã có 21 người Việt bỏ trốn ở nước bạn khi đang đi “du lịch” (tính cả nhóm 15 người kể trên). Sau đó, phía Israel đã bắt được 4 người và trục xuất ngay về nước. Nhiều nguồn tin cho rằng những người này có khả năng đã trốn sang nước thứ ba.

Bỏ trốn để làm gì?

Sau vụ 152 người Việt Nam bỏ trốn khi đi tour du lịch Đài Loan, câu hỏi hỏi họ sẽ làm gì và ở đâu bắt đầu được đặt ra.

Về vấn đề này, Apple Daily dẫn lời các công ty môi giới lao động nước ngoài tại Đài Loan nói Việt Nam là nước đứng đầu về số người bỏ trốn tại đảo. Sau khi trót lọt, nam thường làm xây dựng hoặc đi khai thác gỗ lậu. Trong khi đó, phụ nữ thường bị các nhóm buôn người bắt làm gái mại dâm.

“Cùng lắm họ bị đưa về nước, với những người lao động bỏ trốn, chuyện này chỉ có được, không có mất”, Hoàng Cảo Kiệt, Chủ tịch Hiệp hội Dịch vụ Tuyển dụng thành phố Đào Viên (Đài Loan), chia sẻ.

Cũng theo ông Kiệt, những người bỏ trốn thường liên kết với các cô dâu Việt lấy chồng Đài Loan trước khi đi. Như vậy, họ sẽ được giúp đỡ phiên dịch và giới thiệu việc làm nếu trốn thành công. Ông Kiệt cũng đánh giá mức lương những người bỏ trốn có thể kiếm ở Đài Loan nhiều hơn hẳn nếu làm lao động tại Việt Nam.

Công ty du lịch lao đao

Sau vụ 152 khách mất tích ở Đài Loan, công ty Golden Travel, một trong những doanh nghiệp lữ hành dẫn đoàn, đã nhận án phạt 48,5 triệu đồng. Mức phạt này dành cho nhiều vi phạm như không thực hiện đúng chế độ báo cáo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định; không thực hiện đúng chế độ lập, lưu trữ hồ sơ và tài liệu theo quy định; không quản lý khách du lịch theo hợp đồng, chương trình du lịch đã ký kết…

Bên cạnh đó, Sở Du lịch Hà Nội cũng tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế của Golden Travel do Tổng cục Du lịch cấp trong 9 tháng, từ 28/12/2018.

Một đơn vị khác cũng liên quan trong vụ này là Công ty TNHH Thương mại Du lịch Kỳ nghỉ quốc tế, đơn vị làm visa cho 152 hành khách bỏ trốn. Thanh tra Sở Du lịch TP.HCM phạt đơn vị này 33 triệu với nhiều vi phạm khác nhau.

Theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch, mức phạt cho các doanh nghiệp lữ hành để khách hàng trốn ở lại nước ngoài là 80-90 triệu đồng. Bên cạnh đó, các đơn vị vi phạm cũng có thể nhận hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành từ 12-18 tháng.

Nhiều công ty du lịch cho rằng hành vi xử phạt theo nghị định chưa rõ ràng vì không xét tới những yếu tố khách quan, chủ quan cũng như động cơ của khách, trách nhiệm của doanh nghiệp khi xảy ra sự cố.

Một số doanh nghiệp cho biết hướng dẫn viên thường chỉ quản lý đoàn đến 22h khi khách hàng nhận phòng. Do đó, những trường hợp bỏ trốn lúc nửa đêm sẽ rất khó kiểm soát. Đa số công ty lữ hành đều cho rằng giải pháp tốt nhất khi xảy ra sự cố là báo cơ quan chức năng để phối hợp điều tra.

Nguồn: News.zing.vn