[kdn-video]
VTV.vn – Không chỉ bởi độ cao đáng sợ, những cây cầu còn được xây dựng qua những khu vực nguy hiểm… khiến người đi đường “toát mồ hôi”.
Zhangjiajie Grand Canyon Glass – cầu kính cao nhất thế giới (Trung Quốc): Cầu kính này nằm ở khu vực công viên quốc gia Trương Gia Giới, tỉnh Hồ Nam, được khánh thành từ tháng 7/2016. Với chiều dài 430m, chiều rộng 6m, mặt cầu không hề làm bằng thép hay bê tông, đây là cây cầu dài và cao nhất thế giới. Cây cầu này do kiến trúc sư người Israel Haim Dotan thiết kế, ông cũng là người thiết kế gian hàng Israel tại Expo Thượng Hải 2010.
Với tên gọi Hongyagu, cầu đáy kính bắc ngang qua hai vách núi tại khu thắng cảnh nổi tiếng thuộc huyện Bình Sơn, thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Chiều dài cầu lên tới 488m, thiết kế với 1077 tấm kính trong suốt, có trọng lượng 70 tấn. Đây là cây cầu treo đáy kính dài nhất thế giới. Cầu nằm ở độ cao 218m, với phía dưới là vực sâu giữa hai vách núi.
Cầu treo Capilano, Canada: Với chiều dài 137m, cao khoảng 70m, cầu treo Capilano bắc qua con sông Pilano ở thành phố Vancouver (Canada). Khoảng năm 1889, George Grant Mackay, kiến trúc sư gốc Scotland đã làm cây cầu treo bằng dây thừng bện từ cây gai dầu, mặt cầu dùng gỗ tuyết tùng với sự giúp đỡ của 2 người bản địa. Sau nhiều lần đổi chủ nhân, năm 1956, cây cầu được xây mới hoàn toàn. Những du khách sợ độ cao thường không dám bước đi trên cây cầu mặc dù mặt cầu rất rộng và hai bên đều được bọc lưới cao cùng dàn cáp chắc chắn.
Cầu Royal Gorge, Colorado, Mỹ: Là một điểm du lịch khá nổi tiếng gần thành phố Canon thuộc bang Colorado của Mỹ, cầu Royal Gorge nằm trên sông Arkansas và giữ vị trí cao nhất thế giới trong hơn 70 năm (từ 1929-2001) với chiều dài 384m, chiều rộng 5,5m.
Cầu treo Charles Kuonen, Randa, Thụy Sĩ: Đây cầu treo đi bộ dài nhất thế giới trên dãy núi Alps đã được khánh thành và đưa vào sử dụng từ năm 2017 với chiều dài khoảng gần 494m. Nằm ở độ cao khoảng 91m trên hẻm núi Alpine, cây cầu này là một phần của Europaweg – tuyến đường mòn leo núi với hành trình hai ngày nối liền Grächen và Zermatt.
Cầu treo sông Sidu tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc: Bắc qua thung lũng sâu 500m ở tỉnh Hồ Bắc, cầu sông Sidu là cây cầu nằm ở độ cao lớn nhất thế giới, thông xe từ năm 2009.
Cầu Akashi Kaikyo, Nhật Bản: Cây cầu có kiểu kết cấu dây võng ở Nhật Bản bắc qua vịnh Akashi, nối Maiko ở Kobe với Iwaya của đảo Awaji và là một phần trong tuyến đường cao tốc Honshu – Shikoku. Được khánh thành vào năm 1998, Akashi Kaikyo là cầu treo có nhịp dài nhất thế giới tại thời điểm đó; chiều dài nhịp chính là 1991m. Tổng chiều dài cầu là 3911m, độ dài của cầu gần 4 cây số.
Cầu Osman Gazi (Thổ Nhĩ Kỳ): Được khánh thành từ năm 2016, Osman Gazi là cây cầu dài nhất Thổ Nhĩ Kỳ đi qua một trong những khu vực có động đất mạnh nhất thế giới – vịnh Izmit.
Cầu Mackinac, Mỹ: Cây cầu nằm giữa bán đảo Upper và Lower Michigan, Mỹ. Với vận tốc gió ở đây đạt 30mph, người lái xe luôn phải thận trọng khi đi qua. Chính vì lý do ấy, chính quyền địa phương cầu Mackinac đã đưa ra một giải pháp là sẽ giúp bạn lái xe qua cầu… miễn phí. Trong năm qua, nơi đây đã hỗ trợ gần 1.400 người lái xe và nhiều chương trình tương tự để cây cầu này tồn tại đến giờ.
Cầu treo Puente de Ojuela, Ojuela, Mexico: Cầu treo Uente de Ojuela trải dài 300m, treo ở độ cao khoảng 318m so với mực nước biển, kết nối hai khu định cư khai thác mỏ hiện đã kiệt quệ của Mexico. Chiếc cầu treo đưa vào sử dụng lần đầu vào năm 1898, chỉ dành cho người đi bộ với mục đích chuyên chở vàng và bạc từ mỏ đối diện thị trấn Ojuela, tới Mapimi để xử lý.
Cầu Howrah, Ấn Độ: Được xây dựng từ 26.500 tấn thép, cầu Howrah có khả năng chịu được 100.000 lượt xe cộ lưu thông mỗi ngày nổi tiếng ở Kolkata, Ấn Độ. Các kỹ sư cho biết các cột trụ của cầu Howrah bắc qua dòng Hooghly hiện đang bị mòn rỉ nghiêm trọng. Nguyên nhân của tình trạng này là hàng triệu miếng bã trầu mà người đi đường nhổ ra, nhuộm đỏ các rầm thép tại các cột trụ chính của cây cầu./.
Nguồn: Vtv.vn