[kdn-video]
VTV.vn – Đây là 10 sự kiện đáng chú ý và mong chờ nhất dành cho những người yêu thích các thiên thể và bầu trời đêm trong năm sắp đến, được tổng hợp bởi National Geographic.
“Mặt trăng máu” tại rặng núi Rainier, bang Washington, Mỹ (Ảnh: Kevin Ebi)
Năm 2020 là quãng thời gian căng thẳng với nhiều diễn biến mới của đại dịch COVID-19. Tuy vậy, bầu trời đêm năm vừa qua vẫn tràn ngập những sự kiện thiên văn hấp dẫn và bắt mắt. Bước sang năm 2021, sẽ tiếp tục có nhiều cảnh tượng tuyệt đẹp khác chờ đón người yêu mến vẻ đẹp của các thiên thể. Nổi bật trong số các sự kiện đó có thể kể đến là “Mặt trăng máu” hay nhật thực “Vòng lửa”, các đợt trùng tụ, mưa sao băng,…
Ngày 11/2: Sao Kim và Sao Mộc trùng tụ
Ảnh: Andrew Fazekas
2 trong số các hành tinh sáng nhất trên bầu trời, sao Kim và sao Mộc, sẽ xuất hiện bên cạnh nhau vào bình minh ngày 11/2. Hiện tượng này gọi là trùng tụ, mô tả trạng thái khi 2 hành tinh ở rất gần nhau trên bầu trời khi nhìn từ Trái Đất. Vào dịp này, ở phía xa tay phải của cặp đôi hành tinh trên, người xem còn có thể thấy được sao Thổ nằm cách đó không xa lắm.
Để có khoảng thời gian ngắm nghía thuận lợi nhất, người quan sát nên bắt đầu từ 20-30 phút trước khi Mặt trời mọc. Người xem ở Nam bán cầu sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng lý tưởng hơn, bởi hai hành tinh từ điểm nhìn ở khu vực này sẽ nằm xa Mặt trời hơn và cao hơn trên bầu trời.
Ngày 9 và 10/3: Hội tụ 4 thiên thể
Ảnh: Andrew Fazekas
Đây là một dịp lý thú khi người yêu thiên văn toàn cầu có thể chứng kiến 4 thiên thể cùng xuất hiện rất gần nhau trên bầu trời. Sao Thủy, sao Mộc và sao Thổ sẽ nằm gần như thẳng hàng, xếp bên cạnh bộ ba không xa là Mặt trăng lưỡi liềm.
Mỗi hành tinh sẽ là một chấm sáng rất dễ nhận thấy bằng mắt thường, trong đó sáng nhất là sao Mộc. Qua ống nhòm, người yêu thiên văn có thể thấy được 4 mặt trăng lớn nhất của sao Mộc. Nếu sử dụng kính thiên văn, người xem sẽ thấy được vành đai của sao Thổ. Riêng sao Thủy, vì đặc điểm vị trí tương đối của Trái Đất và Mặt trời với hành tinh này, sẽ chỉ sáng một phần, trông như một Mặt trăng khuyết phiên bản thu nhỏ.
Ngày 26/5: Nguyệt thực toàn phần “Mặt trăng máu”
Xuyên suốt Tây Bắc Mỹ, Tây Nam Mỹ, Australia và Đông Nam Á, người yêu thiên văn sẽ được chứng kiến một mặt trăng đỏ rực trong thời gian trải qua nguyệt thực toàn phần. Sự kiện ấn tượng này xảy ra khi Mặt trời, Trái đất và Mặt trăng “xếp thẳng hàng” một cách chính xác, khiến bóng của hành tinh xanh phủ kín hoàn toàn lên Mặt trăng.
Lần nguyệt thực toàn phần này trùng với thời điểm Mặt trăng ở điểm gần Trái đất nhất trên quỹ đạo, đôi khi được gọi là siêu trăng. Vì thế nên Mặt trăng lúc đó sẽ trông có vẻ lớn và sáng hơn so với trăng tròn thông thường. Nguyệt thực một phần sẽ bắt đầu lúc 16:44 tại Việt Nam, khi bóng Trái Đất bước đầu bao phủ Mặt trăng. Nguyệt thực toàn phần, khi mặt trăng chuyển sang màu đỏ, sẽ bắt đầu lúc 18:11 và kết thúc lúc 18:25 cùng ngày.
Ngày 10/6: Nhật thực “Vòng lửa”
Những quốc gia nằm gần cực Bắc như Canada, Nga và một phần của Greenland sẽ có dịp chứng kiến nhật thực “vòng lửa” hình khuyên ngay vào lúc bình minh. Sự kiện tuyệt đẹp này xảy ra khi Mặt trăng, Mặt trời và Trái đất nằm thẳng hàng. Thế nhưng, tỷ lệ của khoảng cách giữa chúng vừa đủ để Mặt trăng không đủ che khuất toàn bộ mặt trời.
Tại nhiều nơi khác trên thế giới, như phần lớn các nước châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ, người dân có thể quan sát hiện tượng nhật thực một phần. Với góc nhìn tại những vùng này, Mặt trăng sẽ chỉ che khuất một phần của Mặt trời.
Ngày 12/7: Sao Kim và Sao Hỏa trùng tụ
Ảnh: Andrew Fazekas
Sau hoàng hôn, 2 hành tinh sáng rực rỡ này sẽ trông như thể “chạm nhau” trên bầu trời. Bên cạnh chúng sẽ là Mặt trăng khuyết bên cạnh, tạo nên một khung cảnh bắt mắt ăn ảnh. Cả hai hành tinh đứng cạnh nhau sẽ sáng đến mức có thể quan sát bằng mắt thường.
Sao Kim có phần nổi bật hơn, dễ dàng được nhìn thấy như một ngôi sao trên trời. Trong khi đó, ánh sáng phản chiếu từ sao Hỏa có phần mờ nhạt hơn, sẽ hơi khó nhận ra vào lúc đầu. Sau một khoảng thời gian điều tiết, người xem sẽ có thể cùng thấy được cả 2, nằm cách nhau một khoảng gần bằng đường kính của trăng tròn.
Ngày 12 và 13/8: Mưa sao băng Perseid đạt đỉnh
Ảnh: Andrew Fazekas
Đến giữa tháng 8 hằng năm, Trái đất sẽ đi qua một “đám mây” mảnh vỡ do sao chổi Swift-Tuttle tạo nên. Đây chính là nguyên nhân gây ra hiện tượng mưa sao băng Perseid khi các thiên thạch bốc cháy trong tầng trên của bầu khí quyển. Sự kiện này thường có thể sản sinh đến 60 sao một giờ.
Năm 2021 có vẻ sẽ mang đến dịp ngắm mưa sao băng Perseid đầy hứa hẹn, bởi thời điểm đạt đỉnh trùng vào lúc trời tối, không trăng. Bắc bán cầu là khu vực dễ quan sát hiện tượng này hơn, bởi sao băng tập trung chủ yếu xung quanh chòm sao Perseus. Với người nhìn ở Nam bán cầu, vị trí tập trung sao băng lần này sẽ bị hạn chế và nằm gần đường chân trời hơn.
Ngày 18/8: Sao Hỏa và Sao Thủy trùng tụ
Ảnh: Andrew Fazekas
Hai hành tinh nằm gần Mặt trời nhất là Sao Thủy và Sao Hỏa sẽ có dịp “hội ngộ” trên bầu trời nhìn từ Trái Đất. Tuy vậy, hiện tượng này hơi khó chiêm ngưỡng vì thời điểm diễn ra gần sát hoàng hôn. Người xem nên hướng về đường chân trời phía Tây để có tầm nhìn rõ ràng nhất. Nếu sử dụng kính viễn vọng, bạn sẽ thấy 2 hành tinh nằm gần nhau đến mức “nhập làm một”, đồng thời có thể xem thấy chi tiết đặc điểm bề mặt của mỗi hành tinh.
Ngày 8/10: Mưa sao băng Draconid
Ảnh: Andrew Fazekas
Mưa sao băng Draconid tập trung ở bầu trời hướng Tây Bắc, với khoảng 10 đến 15 ngôi sao băng mỗi giờ. Thời gian quan sát tốt nhất là khi trời bắt đầu trở tối cho nửa đêm. Trong khoảng thời gian đạt đỉnh, các ngôi sao sẽ nằm cao phía trên đầu người quan sát trên khắp khu vực Bắc bán cầu. Draconid khá dễ để quan sát, bởi chúng nằm trong số những trận sao băng có tốc độ thấp nhất diễn ra hàng năm.
Ngày 19/11: Nguyệt thực một phần
Nguyệt thực cuối cùng trong năm sẽ có thể quan sát được ở Bắc và Nam Mỹ, Australia và nhiều khu vực tại châu Âu và châu Á. Tuy là nguyệt thực một phần, sẽ có đến 95% diện tích của trăng tròn nằm trong bóng tối của Trái đất. Trong pha cực đại, Mặt trăng sẽ hiện ra như thể nguyệt thực toàn phần trong một thời gian ngắn, dưới màu cam hoặc đỏ bắt mắt. Hiện tượng sẽ bắt đầu vào lúc 14:18 theo giờ Việt Nam.
Ngày 4/12: Nhật thực toàn phần
Vào cuối năm 2021, nhật thực toàn phần sẽ diễn ra ở khắp Nam Cực. Một số khu vực nằm gần cực Nam như Chile, Argentina, Nam Phi, Namibia và Australia sẽ có thể chiêm ngưỡng nhật thực một phần. Những người đi trekking đến cực Nam vào thời điểm này sẽ có cơ hội chụp Mặt trời bị che khuất nằm gần đường chân trời vào sáng sớm, bao quanh bởi các tảng băng trôi và lãnh nguyên lạnh giá cực kỳ mãn nhãn.
Nguồn: Vtv.vn