Sự xuất hiện của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) khiến Tunisia, Syria và Iraq trở thành những vùng đất tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất trên thế giới.
|
Tunisia: Văn phòng Ngoại giao Anh khuyến cáo công dân nước họ tránh tới Tunisia sau khi một phần tử Hồi giáo cực đoan gây ra vụ xả súng kinh hoàng tại quốc gia châu Phi tháng trước khiến 38 người, trong đó 30 người Anh, thiệt mạng. Chính phủ chỉ ra các vùng đặc biệt nguy hiểm như Công viên quốc gia núi Chaambi, vùng biên giới Tunisia – Algeria, khu vực giáp ranh với Libya… Các công ty lữ hành đã hủy nhiều chuyến tới sân bay thành phố Monastir và Enfidha, nơi một số địa điểm du lịch tọa lạc, cho đến hết mùa hè năm nay (31/10). Các chuyên gia cho rằng nền kinh tế Tunisia vốn phụ thuộc vào du lịch sẽ thiệt hại lớn sau lời khuyên của Văn phòng Ngoại giao Anh. Ảnh: Telegraph
|
|
Biên giới Ukraine – Nga: Theo Văn phòng Ngoại giao Anh, biên giới Nga – Ukraine là khu vực nguy hiểm. Dù các bên đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn, đụng độ vẫn diễn ra tại vùng giáp ranh này. Ảnh: Alamy
|
|
Nam Sudan: Dù lệnh ngừng bắn được ký tại Nam Sudan hồi tháng 5/2014, quốc gia mới thành lập này vẫn không an toàn. Các cuộc đụng độ vẫn diễn ra tại quốc gia Đông Phi. Năm ngoái, 5 nhà hoạt động nhân đạo bị giết tại Nam Sudan. Ảnh: Alamy
|
|
Yemen: Năm 2013, cả Mỹ và Anh đều khuyến cáo công dân họ không nên đến Yemen vì lo ngại khủng bố. Các cuộc đụng độ đang phá hủy nhiều công trình cổ vô giá như bảo tàng, thánh đường… của quốc gia này. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) vừa bổ sung thành phố cổ Sanaa, đồng thời là thủ đô của Yemen, vào danh sách các di sản đối mặt nguy cơ bị tàn phá. Ảnh: AP
|
|
Iraq: Chính phủ Iraq muốn phát triển du lịch trong nước bằng cách phục hồi cổng thành cổ hình vòm Ctesiphon và xây dựng vùng đầm lầy phía nam thành khu sinh thái. Tuy nhiên, từ khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) xuất hiện cách đây 18 tháng, các cuộc đụng độ thường xuyên diễn ra. Thành phố cổ như Nimrud và Hatra bị tàn phá nặng nề. IS hiện kiểm soát vùng đất rộng lớn ở miền Bắc. Tình hình an ninh khắp đất nước này vẫn trong tình trạng bất ổn. Ảnh: Reuters
|
|
Libya: Đụng độ vẫn diễn ra ở Libya sau khi Muammar Gaddafi bị tiêu diệt năm 2011. Gần đây, sự xuất hiện của các nhóm khủng bố thân IS càng làm tình hình thêm rối ren. Chính phủ Anh cảnh báo, mối đe dọa về khủng bố và bắt cóc đối với du khách nước ngoài tại Libya khá cao. Từ năm 2014, 2 công dân Anh đã bị các tổ chức có vũ trang bắt cóc. Ảnh: Alamy
|
|
Syria: Bạo lực không ngừng xảy ra tại Syria kể từ sự kiện Mùa xuân Arab năm 2011. Thêm vào đó, sự xuất hiện của IS tại đất nước này càng khiến cuộc sống người dân thêm tồi tệ. Hiện tổ chức khủng bố chiếm một phần đất rộng lớn của Syria. Phiến quân đang kiểm soát thành phố cổ Palmyra và tàn phá nhiều công trình tại Syria. Ảnh: Alamy
|
|
Congo: Cộng hòa Congo đang hồi phục sau cuộc chiến từ năm 1998 đến 2003. Chính phủ nước này nhận hỗ trợ của Angola, Namibia và Zimbabwe để tiêu diệt quân nổi dậy. Sự mất ổn định và biểu tình biến thành bạo lực khiến Congo trở thành nơi nguy hiểm. Ảnh: Alamy
|
|
Mali: Các phần tử Hồi giáo cực đoan đang kiểm soát miền Bắc Mali và nhiều công trình cổ của quốc gia Tây Phi này. Tình hình bất ổn và nguy cơ bị khủng bố khiến Mali là điểm đến không an toàn. Hồi tháng 3, một vụ tấn công khủng bố đã diễn ra tại nhà hàng La Terrasse thuộc thủ đô Bamako khiến 5 người chết, trong đó có 2 người châu Âu, và 9 người khác bị thương. Ảnh: Getty
|
|
Cộng hòa Trung Phi: Quốc gia nghèo ở châu Phi vẫn đối mặt với mâu thuẫn tôn giáo, thiếu lương thực và nước sạch cho người dân. Hồi tháng 1, Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao của Trung Phi bị bắt cóc. Nhiều thành viên tổ chức nhân đạo đến Cộng hòa Trung Phi cũng chịu chung số phận. Ảnh: Alamy
|
Cuộc sống đáng sợ tại quốc gia nguy hiểm bậc nhất thế giới
Số vụ án mạng ở thủ đô của El Salvador đang tăng mạnh nhất thế giới. Các kỷ lục giết người liên tiếp bị phá vỡ bất chấp chiến dịch truy quét mạnh tay của chính phủ.
Nguồn: News.zing.vn