Đề xuất phát triển du lịch ‘một kỳ nghỉ – hai vùng di sản’

0
14
Chiến lược phát triển du lịch Khánh Hòa dài hạn.

Theo đại diện Crystal Bay, việc kết nối vịnh Hạ Long với thánh địa Mỹ Sơn, văn hóa Chăm ở Nha Trang… hướng tới phát triển du lịch toàn diện.

Hội thảo “Du lịch Khánh Hòa trong chiến lược phát triển điểm đến quốc gia” diễn ra ngày 3 – 4/8 tại bến du thuyền Ana Marina. Tham dự có đại diện của các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, chuyên gia tư vấn ngành du lịch trong và ngoài nước.

Tại đây, ông Nguyễn Trường Sơn – Thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc phát triển kinh doanh của Crystal Bay đưa ra chiến lược phát triển tổng quan du lịch mới toàn tỉnh. Ông đề ra phương án phát triển “Một kỳ nghỉ – Hai vùng di sản” hướng tới phát triển chuỗi du lịch toàn diện.

Theo ông Sơn một điểm đến phải bắt đầu xây dựng từ ý tưởng phát triển định vị thương hiệu, hoặc ý tưởng trung tâm làm lõi hình thành nên một hệ sinh thái bao quanh. Khi có một hệ sinh thái đặc trưng, việc xây dựng thương hiệu cho điểm đến trở thành dễ dàng, cụ thể hơn; truyền thông cho thương hiệu sẽ hiệu quả hơn.

Bản chất của đề xuất này là kết nối vùng Đông Bắc với khu vực miền Trung, kết nối vịnh Hạ Long với khu thánh địa Mỹ Sơn, văn hóa đặc trưng của vùng văn hóa Chăm của Nha Trang, Ninh Thuận.

Các vùng trên đều có những địa điểm du lịch nổi tiếng như: Nha Trang, vịnh Cam Ranh, các hòn đảo lớn nhỏ khác nhau. Khu vực miền Trung tập trung di sản cố đô Huế, phố cổ Hội An…với nhiều nét đặc trưng riêng cho từng vùng.

Chiến lược phát triển du lịch Khánh Hòa dài hạn.

Chiến lược phát triển du lịch Khánh Hòa dài hạn.

Ông Sơn đánh giá, việc liên kết các điểm đến du lịch tạo thành một chuỗi tổng thể di sản độc đáo, nhiều màu sắc du lịch đặc sắc và trở thành tiền đề cho các khu du lịch khác trên cả nước. Khi đã xây dựng được hệ sinh thái du lịch này, khách du lịch trong và ngoài nước sẽ có nhiều trải nghiệm thích thú hơn trong cùng một chuyến tham quan, tỷ lệ khách trở lại du lịch nhiều hơn trong tương lai.

Chiến lược phát triển du lịch trên sẽ tập trung khai thác lượng khách du lịch trong nước truyền thống và thu hút nhiều hơn nữa khách quốc tế đến tham quan.

“Nếu chiến lược ‘Một kỳ nghỉ – Hai vùng di sản’ được triển khai thành công sẽ tạo điểm nhấn khác biệt trong chiến lược cạnh tranh của toàn tỉnh trong bức tranh du lịch chung của cả nước. Từ đó thúc đẩy giá trị gia tăng cho ngành kinh tế mũi nhọn này”, ông Sơn nhận định.

Ông Nguyễn Trường Sơn chia sẻ tại hội thảo.

Ông Nguyễn Trường Sơn chia sẻ tại hội thảo.

Chiến lược này được ông Sơn kêu gọi các nhà đầu tư, các công ty lữ hành, công ty phát triển du lịch cùng nhau tham gia. Một hệ sinh thái du lịch đầu tiên sẽ làm tiền đề phát triển tổng quan ngành du lịch của cả nước trong tương lai.

Kết hợp “du lịch gợi nhớ” sẽ càng làm tăng hiệu quả của chiến dịch trên, ý kiến của ông Nicolas Urvois, Tập đoàn tư vấn du lịch THR. Cụ thể, ông đề xuất chuyển hóa từ hoạt động du lịch đơn thuần sang cấp độ khiến cho du khách nhớ và cảm nhận được giá trị văn hóa của từng điểm đến.

“Đánh trực tiếp vào cảm xúc, trí nhớ của khách du lịch chính là vũ khí quan trọng nhất để hình thành nên một xu hướng du lịch mới cho toàn tỉnh”, ông Nicolas Urvois nói và nhấn mạnh: “Để tạo nên định vị thương hiệu riêng của một địa danh, trước hết phải quảng bá thương hiệu quốc gia trước khi quảng bá thương hiệu của một địa phương”.

Theo ông, bên cạnh việc tập trung phát triển du lịch từng vùng thì phát triển tổng thể nền du lịch của cả nước sẽ là bước đệm quan trọng cho mỗi nền văn hóa riêng lẻ khác nhau.

Tại hội thảo du lịch Nha Trang – Khánh Hòa, chiến lược này đã nhận được sự đồng tình và ủng hộ của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, các đại biểu.

Kim Ngân

Nguồn: Vnexpress.net